Thuận An - đô thị mới hướng ra biển Đông
  
Năm 2014, thị trấn Thuận An vừa tròn 15 tuổi. Mười lăm năm là một quãng thời gian không dài, nhưng nhờ nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, thị trấn Thuận An đang vươn mình trở thành một đô thị mới hướng ra biển Đông, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị.
 

Về Thuận An hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy một đô thị mới hiện đại đang được hình thành. Ông Nguyễn Hữu Thảo, một Việt kiều ở Mỹ, nhận xét: “Tôi về thăm nhà thấy quê mình thay đổi nhanh quá. Còn nhớ khoảng 10 năm trước, lần đầu tiên tôi trở lại quê hương, cơ sở hạ tầng còn khá lạc hậu. Thế mà giờ đây, Thuận An đã trở thành một đô thị khang trang, hiện đại”. Quả đúng như lời ông Thảo nói, đường sá ở Thuận An hiện nay đã được đầu tư nâng cấp và được đặt tên, giúp cho du khách thập phương khi đến đây khỏi bỡ ngỡ. Cây cầu Thuận An mới xây dựng sau này thay cho cây cầu cũ (xây dựng vào năm 1989 - PV) đã giúp cho giao thông thuận lợi hơn. Nước máy về thị trấn hơn chục năm nay, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân. Hệ thống chiếu sáng ở Thuận An được đầu tư hoàn chỉnh đảm bảo thẩm mỹ; vỉa hè các trục đường chính được lát gạch giúp cảnh quang môi trường thêm sạch đẹp. Ông Huỳnh Văn Toàn, một người dân đang sinh sống tại thị trấn Thuận An, cho biết: “Hiện nay, Thuận An đã được công nhận là đô thị loại IV. Nhưng người dân chúng tôi vẫn chưa bằng lòng với những gì đã đạt được. Mọi người đang nỗ lực phấn đấu để sớm đưa quê hương mình trở thành thị xã.

Hoàn tất công đoạn bó vỉa, làm đẹp đô thị Thuận An. Ảnh: Minh Phong

 

Tuy nhiên, để sớm đạt chuẩn thị xã, Thuận An rất cần sự đầu tư và hỗ trợ của huyện và tỉnh”. Đi thực tế tại thị trấn Thuận An, chúng tôi nhận thấy hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội ở đây ngày càng phát triển. Trạm Y tế Thuận An đã được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng. Phòng khám Đa khoa Thuận An được đầu tư xây với khoảng 100 giường bệnh, với các trang thiết bị y tế đảm bảo cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn. Thị trấn đầu tư trên 200 triệu đồng nâng cấp sân bóng đá và Khu trung tâm văn hóa TDTT của thị trấn đã được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí xây dựng. Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống của người dân ngày càng cải thiện...

Còn nhớ, trước khi sáp nhập xã Thuận An và xã Phú Tân thành thị trấn Thuận An (vào năm 1999 - PV), vùng đất này vẫn còn nghèo nàn lạc hậu. Đến hết thập niên 80 thế kỷ 20, ở Thuận An vẫn chưa có điện và nước máy. Du khách muốn tắm biển Thuận An phải đi đò qua phá Tam Giang. Các loại hình dịch vụ trên bãi tắm thời đó chưa phát triển và còn mang tính tự phát. Tuy nhiên, nhờ sẵn có tiềm năng của một đô thị vùng biển và tốc độ đô thị hoá nhanh trong thời gian qua đã giúp diện mạo thị trấn Thuận An khởi sắc nhanh chóng. Hiện, thị trấn Thuận An đang tận dụng ưu thế của mình để phát triển một đô thị hướng ra biển; lấy việc khai thác thủy sản, đẩy mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển du lịch biển làm các ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển của mình. Ông Hồ Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, cho biết: “Trong chiến lược đô thị hóa ở Phú Vang, UBND huyện tập trung nguồn lực đầu tư cho thị trấn Thuận An và quyết tâm đưa thị trấn Thuận An trở thành một đô thị hiện đại ven biển. Ngoài việc tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng cho nơi này, UBND huyện Phú Vang đang kêu gọi và khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung các nguồn lực để ưu tiên cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống giao thông, thủy lợi, tăng tỷ trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xã hội thị trấn Thuận An”.

Bên cạnh những điểm sáng, tiến trình đô thị hóa ở thị trấn Thuận An vẫn còn một số tồn tại, như: Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Các ngành dịch vụ thương mại tuy có bước phát triển khá, nhưng chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh còn thấp. Thuận An chưa có chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị. Vấn đề rác thải và vệ sinh môi trường chưa xử lý triệt để, gây bức xúc cho người dân. Nhiều tuyến đường liên thôn bị xuống cấp hoặc nhỏ hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và làm ảnh hưởng đến tiến trình đô thị hóa trên địa bàn...

Ông Nguyễn Xuân Hải, Bí thư Đảng ủy thị trấn, cho biết thêm: “Tiềm năng lợi thế lớn nhất của thị trấn Thuận An chính là du lịch biển và khai thác thủy hải sản. Do vậy, trong chiến lược phát triển đô thị của thị trấn, chính quyền và người dân rất chú trọng đến việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề nghề cá; nâng cấp bãi tắm Thuận An và vận động ngư dân đóng tàu thuyền lớn để vươn ra khơi xa. Thuận An là một đô thị ven biển và đầm phá nên chúng tôi phải tận dụng tốt hai tiềm năng này để phát triển. Hy vọng trong tương lại không xa, Thuận An sẽ trở thành một đô thị hiện đại hướng mặt ra biển Đông”.

http://baothuathienhue.vn
 Imprimer]
Les autres articles
    First Previous 1 2 3 4 5 Next Last