Phong Điền: vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh
  
Cập nhật:24/09/2020 5:07:51 CH
Phong Điền là huyện ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 30km, dân số hơn 93.624 người, diện tích đất tự nhiên trên 948,23km2. Về tổ chức hành chính, huyện có 16 đơn vị hành chính cấp xã (15 xã và 01 thị trấn), có 136 thôn, bản, tổ dân phố (trong đó có 02 bản dân tộc thiểu số). Thị trấn Phong Điền là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện, được định hướng là đô thị trung tâm cửa ngõ phía Bắc, phát triển đô thị sinh thái về phía Tây Quốc lộ 1A, gắn với vùng bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Diện mạo trung tâm thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền
Diện mạo trung tâm thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền

Vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh

Là một huyện nằm ở cực Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Phía Đông Bắc giáp biển Đông; phía Đông Nam giáp huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà; phía Nam giáp huyện A Lưới. Phong Điền nằm trong tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, có các trục giao thông quan trọng của quốc gia chạy qua như Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt; bên cạnh đó, còn có tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên Huế) ngang qua địa bàn huyện Phong Điền đã được khởi công xây dựng sẽ tạo điều kiện cho Phong Điền có điều kiện khá thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế với các huyện trong tỉnh và với cả nước, trong khu vực.

Huyện Phong Điền nằm trên một dải đất hẹp được giới hạn bởi hai con sông lớn là sông Ô Lâu ở phía Bắc và sông Bồ ở phía Nam với đầy đủ các dạng địa hình: đồi núi, đồng bằng và ven biển - đầm phá.

Vùng đồi núi là vùng đất phía Tây Nam của huyện bao gồm các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An và một phần xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền. Gồm những dãy núi cao với độ cao trung bình khoảng 1000m, độ dốc bình quân 35o, nhiều nơi địa hình hiểm trở. Địa hình thấp dần từ Tây Nam xuống Đông Bắc. Với vị trí là khu vực đầu nguồn sông Bồ, sông Ô Lâu nên thảm thực vật ở đây có ảnh hưởng lớn đến khu vực hạ lưu. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển các vùng chuyên canh, cây công nghiệp dài ngày… nhưng cần có biện pháp để tổ chức khai thác có hiệu quả và khắc phục những khó khăn trong sản xuất là khô hạn mùa khô và xói mòn, rửa trôi mạnh trong mùa mưa.

Vùng đồng bằng bao gồm các xã Phong Hoà, Phong Bình, Phương Chương, Phong Hiền và một phần xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền. Đây là vùng đất hẹp, bằng phẳng chạy dài theo quốc lộ 1A và phần lớn là đất phù sa do sông Bồ và sông Ô Lâu bồi đắp hàng năm nên thích hợp cho sản xuất nông nghiệp như lúa nước và các cây công nghiệp ngắn ngày.

Vùng ven biển - đầm phá bao gồm các xã vùng Ngũ Điền với những bãi cát bằng phẳng ven biển tuỳ theo độ xâm nhập thực của biển mà có chiều rộng khác nhau tạo nên những vùng cát nội đồng. Bên cạnh việc khai thác phát triển lâm nghiệp đặc biệt là trồng rừng phòng hộ nhằm chống cát bay, cát lấp thì vùng đất này còn có khả năng nuôi tôm cao triều ven biển, đây là một khả năng mới đang được tỉnh và huyện rất quan tâm, có hướng đầu tư phát triển.


Một góc KCN Phong Điền ở nhìn từ trên cao

Là nơi hội tụ nhiều tiềm năng phát triển

Có thể khẳng định rằng, Phong Điền là nơi hội tụ các tài nguyên thiên nhiên đa dạng: có vùng đồng bằng đất đai màu mỡ, vùng gò đồi giàu tiềm năng, có bờ biển và vùng đầm phá với các nguồn lợi thuỷ hải sản phong phú cho phép phát triển một nền nông nghiệp toàn diện cả nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, trữ lượng một số khoáng sản lớn đủ để đầu tư khai thác công nghiệp như đá vôi, than bùn, nước khoáng… tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp.

Nói đến tiềm năng của Phong Điền, không thể không kể đến thế mạnh về phát triển du lịch, với nhiều địa danh nổi tiếng như làng cổ Phước Tích, suối nước khoáng Thanh Tân, chiến khu Hòa Mỹ, chùa Giác Lương… Bên cạnh đó, nơi đây được xem là cái nôi phát tích của nhiều làng nghề truyền thống, như nghề kim hoàn (Kế Môn, Điền Môn), nghề rèn (Phong Hiền), nghề gốm (Phước Tích)…; Các địa danh này có nhiều khả năng thu hút khách du lịch đến thăm quan, du ngoạn, mở rộng phát triển du lịch, dịch vụ.

Những năm gần đây, Phong Điền được tỉnh quan tâm đầu tư đẩy mạnh phát triển công nghiệp; tăng cường cơ sở hạ tầng như như giao thông nông thôn, mạng lưới điện, thủy lợi, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông... nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong giai đoạn tới.


Tuyến đường mới mở ở Phong Điền 

Hướng đến trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh

Trong những năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cán bộ và nhân dân huyện Phong Điền đã cố gắng nỗ lực vượt bậc để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp: Tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 59% trong cơ cấu kinh tế; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 23% năm 2015 xuống còn 19%, ngành dịch vụ chiếm 22%.

Công nghiệp - xây dựng chuyển biến mạnh mẽ, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 14,8%/năm, chiếm tỷ trọng 59% trong cơ cấu kinh tế. Khu công nghiệp Phong Điền thu hút 14 dự án đầu tư, trong đó 13 dự án đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ 39,11% vốn đăng ký, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt 35%, giải quyết việc làm cho 7.990 lao động. Các nhà máy sản xuất công nghiệp hoạt động ổn định, có hiệu quả và đang mở rộng quy mô sản xuất như Công ty SCAVI Huế, nhà máy xi măng Đồng Lâm, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam; các nhà máy thủy điện, điện mặt trời đưa vào hoạt động. Năm 2019, huyện đã phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh kêu gọi, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát để triển khai thực hiện các dự án như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Contana, Công ty Kanglongda… Đồng thời, tích cực phối hợp với các nhà đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống xử lý nước thải… để triển khai thực hiện các dự án.

Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống có chuyển biến tích cực, nhiều ngành nghề được mở rộng, đa dạng sản phẩm, được thị trường tiếp nhận như mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, nước mắm Phong Hải, rượu Ô Lâu, gốm Phước Tích, các sản phẩm từ cỏ bàng...

Dịch vụ thương mại phát triển mạnh, góp phần đảm bảo lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Dịch vụ du lịch có chuyển biến tích cực. Du lịch cộng đồng tại làng cổ Phước Tích bước đầu thu hút được khách du lịch; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Thanh Tân Spa, A Đon, Khe Me, thượng nguồn sông Ô Lâu… đang thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư. Lượng khách du lịch đến địa bàn bình quân hàng năm đạt 120.000 lượt người, doanh thu hơn 20 tỷ đồng, thu nhập người dân được cải thiện.

Tổ chức sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới, 100% Hợp tác xã được chuyển đổi và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Phát triển được một số vùng sản xuất cây chủ lực tập trung, đặc trưng như: Cây lúa, lạc, sắn, rau các loại, cây ăn quả, cây sen, cây dược liệu, cây cao su... Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại; phương thức sản xuất chuyển dần từ truyền thống sang hướng chuyên canh, bán chuyên canh, công nghệ cao, hữu cơ, an toàn dịch bệnh, trên địa bàn huyện hiện có 11 trang trại, 104 gia trại tổng hợp. Chương trình xây dựng nông thôn mới được phát động sâu rộng và được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn huyện có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao đang được các địa phương đăng ký thực hiện. 

Trục đường trung tâm huyện Phong Điền

Phấn đấu sớm trở thành thị xã 

Thời gian tới, huyện Phong Điền sẽ tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, trở thành vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh. Phát triển công nghiệp kết hợp nông nghiệp sạch theo hướng công nghệ cao là nền tảng, huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật cho phát triển đô thị là giải pháp đột phá; hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và trở thành thị xã trước năm 2025, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tin tưởng rằng với vị trí địa lý đắc địa, với nguồn tài nguyên dồi dào kết hợp với môi trường đầu tư thông thoáng cùng với sự quan tâm của Trung ương và của Tỉnh đối với các dự án trên địa bàn, Phong Điền đang hội tụ các điều kiện cần thiết để vươn xa, phát triển nhanh, khẳng định vị thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế và sớm trở thành thị xã theo định hướng tại Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị. 

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

(1). Giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 15-17%.

(2). Thu nhập bình quân đầu người (theo VA) năm 2025: 75-80 triệu đồng.

(3). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 12-15%/năm.

(4). Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 12-13%/năm.

(5). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 90%.

(6). Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 40-45%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia tự nguyện khoảng 2,5%.

(7). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 70%; lao động có việc làm mới hàng năm 1.500 – 1.700 người, trong đó người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ 150 – 200 người.

(8). Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025).

(9). 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2023, 50% phường đạt văn minh đô thị.

(10). 100% xã, phường thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn; 70% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý.

(11). Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch: 100%.

(12). Duy trì tỷ lệ che phủ rừng: 57%.

Các chương trình trọng điểm

(1). Chương trình phát triển đô thị.

(2). Chương trình phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

(3). Chương trình phát triển du lịch, dịch vụ.

(4). Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

(5). Chương trình cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực.

Một số hình ảnh về huyện Phong Điền được chụp tháng 9/2020:

 

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]