(Theo Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 05 tháng3 năm 2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU
1. Quan điểm
- Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
- Người dân đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; Nhà nước có chính sách hỗ trợ thông qua các tổ chức thủy lợi cơ sở, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế;
- Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên cơ sở kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình, bao gồm đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi và tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
- Nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước, chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Từng bước hoàn thiện hạ tầng hệ thống công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phục vụ tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, giảm thiểu các thiệt hại do nguồn nước gây ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong tương lai.
- Phát huy nội lực, nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.
- Là cơ sở để các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng theo giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ năm 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035.
- Góp phần thực hiện nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
b) Mục tiêu cụ thể
- Phấn đấu đến cuối năm 2025 trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 41,8% (439/1.050) số lượng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, với mức hỗ trợ theo theo Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh. Trong đó: Công trình tích trữ nước là 24/44 công trình; hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước là 215/345 hệ thống; kiên cố kênh mương là 84/396 km; cống nội đồng là 70/175 cống và 46/90 trạm bơm điện (Phụ lục I chi tiết Kế hoạch đầu tư các công trình giai đoạn 2021-2025).
- Huy động các nguồn lực, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nhằm bảo đảm tưới, tiêu chủ động, bảo đảm số lượng, chất lượng nước cho vùng chuyên canh lúa tập trung, vùng sản xuất tập trung, vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng cạn, đáp ứng quy trình kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm, hiệu quả:
+ Cấp nước chủ động cho diện tích đất trồng lúa 2 vụ với mức đảm bảo tưới 90%. Trong đó, đến năm 2025 có trên 20% diện tích gieo trồng lúa áp dụng phương thức canh tác tiên tiến.
+ Đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn cần tưới theo quy hoạch đạt 45%, trong đó tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 20%.
- Bảo đảm hệ thống cấp, thoát nước chủ động, đáp ứng quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tiên tiến, hiện đại đối với vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung.
- Đến năm 2025 có 60% tổ chức thủy lợi cơ sở đã thành lập, được củng cố và hoạt động hiệu quả theo quy định của Luật Thủy lợi.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VÀ GIẢI PHÁP
1. Tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống thể chế, chính sách
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống luật pháp về thủy lợi đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khả thi và tổ chức thực hiện có hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Tập trung thực hiện một số nội dung sau:
- Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách về đầu tư, quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.
- Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức, sổ tay hướng dẫn về quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
- Hướng dẫn áp dụng tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở.
- Rà soát, xây dựng, ban hành quy định cụ thể mức hỗ trợ, văn bản hướng dẫn, bố trí kinh phí, huy động nguồn lực xã hội hóa và tổ chức thực hiện các chính sách của Chính phủ đã ban hành về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (Nghị định 77/2018/NĐ-CP, Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg...), đồng thời ban hành các chính sách đặc thù khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
- Xây dựng và ban hành Hướng dẫn các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với từng vùng miền trong tỉnh.
- Tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thủy lợi, nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi các cấp, chính quyền, tổ chức thủy lợi cơ sở, người dân thường xuyên cập nhập các cơ chế, chính sách mới về thủy lợi, trong đó có thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.
2. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng
Huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung một số nội dung chính như sau:
- Đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.
- Nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ phương thức canh tác tiên tiến (nông lộ phơi, SRI, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm…) cho cây lúa nhằm giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính.
- Khuyến khích đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, tích trữ nước phân tán ở các vùng gò đồi, vùng cuối kênh, vùng thường xuyên bị thiếu hụt nguồn nước,..; hoàn thiện công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
- Xây mới, sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm tưới - tiêu, cống tiêu, nạo vét kênh mương đảm bảo tưới, tiêu thoát nước chủ động. Tập trung sửa chữa, nâng cấp các đập dâng, hồ chứa nước nhỏ đảm bảo nguồn nước tưới, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa bão.
- Tiếp tục khuyến khích đầu tư phát triển trạm bơm điện vùng đồng bằng và miền núi để thay thế các trạm bơm dầu kém hiệu quả.
- Hỗ trợ đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản đảm bảo cấp, thoát nước chủ động cho nuôi trồng thủy sản thâm canh khu vực ven biển.
3. Củng cố, phát triển tổ chức thủy lợi cơ sở
Rà soát, thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức thủy lợi cơ sở theo Luật Thủy lợi để quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hoạt động hiệu quả, bền vững, tập trung vào một số nội dung chính như sau:
- Rà soát, đánh giá thực trạng cơ cấu tổ chức, năng lực của tổ chức thủy lợi cơ sở.
- Thực hiện củng cố, thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở, nâng cao năng lực cho tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng theo Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT và Nghị định 67/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.
- Đẩy mạnh thực hiện phân cấp, chuyển giao quản lý tưới cho các tổ chức thủy lợi cơ sở; tăng cường sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp trong việc tổ chức và hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở.
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm có sự tham gia của người dân trong quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.
- Tăng cường sự tham gia của tổ chức thủy lợi cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch cấp, tưới, tiêu, thoát nước của tổ chức khai thác công trình thủy lợi đầu mối.
- Định kỳ hằng năm các tổ chức thủy lợi cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động và báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
4. Khoa học công nghệ, đào tạo, truyền thông
a) Áp dụng khoa học công nghệ
- Nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng:
+ Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới trong xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng gắn với giao thông nội đồng, như: công nghệ kênh bê tông vỏ mỏng đúc sẵn, đường ống,...
+ Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tưới, tiêu hiện đại, chế độ, quy trình tưới tiết kiệm nước đáp ứng các biện pháp canh tác tiên tiến, khoa học ứng với các giai đoạn sinh trưởng cho các loại cây trồng.
+ Ứng dụng công nghệ xây dựng công trình thu trữ nước, cho các vùng vùng gò đồi, vùng cuối kênh, vùng thường xuyên bị thiếu hụt nguồn nước,.. ở miền núi, trung du và vùng cát ven biển.
+ Ứng dụng và chuyển giao công nghệ chế tạo các cấu kiện, thiết bị công nghệ mới vào lắp đặt cho hệ thống đầu mối, điểm phân chia nguồn nước,...
- Xây dựng một số mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở thí điểm về: phương thức quản lý, khai thác và hoạt động thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp:
+ Mô hình thí điểm áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.
+ Mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hoạt động hiệu quả.
+ Mô hình thủy lợi tiên tiến đáp ứng phát triển nền nông nghiệp có tưới, canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
b) Đào tạo và đào tạo lại
Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tăng cường năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, an toàn đập cho các cán bộ quản lý nhà nước về thủy lợi cấp huyện, xã; người trực tiếp quản lý, khai thác công trình thủy lợi của các tổ chức thủy lợi cơ sở:
+ Rà soát, đánh giá nhu cầu đào tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo.
+ Xây dựng khung chương trình và tài liệu đào tạo.
+ Bố trí kinh phí, tổ chức thực hiện đào tạo, tập huấn.
c) Truyền thông:
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước đối với công tác quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để nâng cao nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước, sử dụng nước tiết kiệm qua đó nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Đẩy mạnh sự tham gia của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, đặc biệt là người dân tham gia quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi và chất lượng nước qua hình thức phát động các phong trào thi đua.