Kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản tỉnh thừa thiên huế giai đoạn 2021-2025
  

(Theo Kế hoạch số 8/KH-UBND ngày 11/01/2021 của UBND tỉnh)

 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm phát triển sản phẩm đặc sản ở mỗi địa phương (sản phẩm nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ) theo chuỗi giá trị; trong đó tập trung phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao để trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, nguồn giống, nguồn lực có sẵn về tài nguyên, nguyên liệu, mang tính độc đáo riêng biệt, có gia tăng giá trị và không ảnh hưởng xấu đến môi trường; sản phẩm có khả năng thành hàng hóa, sản lượng ổn định, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

- Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng, xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản của tỉnh, ưu tiên hỗ trợ các hộ sản xuất, cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế; nhằm nâng cao đời sống của nông dân ở nông thôn với thu nhập ổn định và ngày càng cao.

2. Yêu cầu

- Phân bổ nguồn lực thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản tỉnh có trọng tâm, trọng điểm; tập trung chủ yếu vào những sản phẩm đặc sản thuộc danh mục sản phẩm chủ lực sản phẩm OCOP của tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Triển khai kế hoạch phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, kết hợp lồng ghép các chương trình, kế hoạch của tỉnh có liên quan đã ban hành.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN 

1. Xây dựng danh mục sản phẩm đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế để tập trung ưu tiên phát triển

Trên cơ sở các sản phẩm nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm chủ lực của các địa phương, xây dựng danh mục sản phẩm đặc sản của tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, sản phẩm được cấp quyền sử dụng “Con dấu nhận diện sản phẩm đặc sản Huế” và “Con dấu nhận diện thủ công mỹ nghệ Huế”. Đồng thời sản phẩm phải đảm bảo: có khả năng phát triển thị trường, giá cạnh tranh và sản lượng ổn định; có nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất.

2. Phát triển vùng nguyên liệu

- Triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm nông sản phù hợp với lợi thế của địa phương, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các nhóm cây trồng chủ lực ưu tiên. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh về dược liệu, đầm phá và ven biển (cụ thể như: Cá vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), Tôm chua, ruốc, mắm các loại, lúa gạo chất lượng cao, Bưởi Thanh trà, Sen Huế, Tinh dầu tràm, tinh dầu sả và các loại tinh dầu từ dược liệu,…).

- Rà soát quy hoạch vùng trồng nguyên liệu dựa trên điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp với đặc tính tự nhiên của cây đặc sản.

- Xây dựng các vườn ươm cây giống; sưu tầm, tuyển chọn cây trội, áp dụng các phương pháp nhân giống mới vào sản xuất phục vụ cho kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu.

- Xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao để tập trung phát triển.

- Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm đặc sản gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Xây dựng, quản lý, duy trì và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, áp dụng các quy chuẩn địa phương

- Hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm đặc sản; tạo nên một thương hiệu có tính tập thể, tính hệ thống, nổi bật, khẳng định thế mạnh của địa phương và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống Huế, nâng cao uy tín cũng như giá trị của sản phẩm thông qua việc cấp quyền sử dụng “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế” và “Con dấu nhận diện sản phẩm đặc sản Huế” cho các sản phẩm của đơn vị đủ điều kiện.

- Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Áo dài Huế" cho sản phẩm áo dài theo đề án Kinh đô áo dài.

- Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm đặc sản của tỉnh (ưu tiên tập trung vào các chủ lực, sản phẩm OCOP). Qua đó kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu: sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ,… gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế: xây dựng, đăng ký tài sản trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến...;

- Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và công bố chất lượng sản phẩm.

4. Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm và thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm

- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm đặc sản xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, xử lý môi trường; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến các sản phẩm đặc sản tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

- Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm thông qua các việc tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của thiết kế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế thiết kế mới và cải tiến mẫu mã, kiểu dáng các sản phẩm có giá trị kinh tế, nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản làm hàng lưu niệm và quà tặng.

5. Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

- Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai, tham gia Chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Hỗ trợ phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân (Ưu tiên phát triển các chuỗi giá trị thuộc các nhóm sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trở thành sản phẩm chủ lực địa phương).

6. Hỗ trợ xúc tiến thương mại

Tập trung triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ các hộ sản xuất, cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đặc sản, trọng tâm là sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhất là các tham gia chương trình liên kết, hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ðồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương...., cụ thể:

- Hỗ trợ xây dựng, hình thành chuỗi cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể: Gian hàng tại các siêu thị Big C, Coopmart và các chợ lớn trọng điểm tại thành phố Huế; Điểm bán hàng tại các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch; Mỗi huyện, thị xã ít nhất phải hình thành 01 Quầy giới thiệu và bán sản phẩm tại trung tâm huyện, thị xã.

- Tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cấp tỉnh hoặc các doanh nghiệp mang sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh đến giới thiệu tại các thị trường trong nước và quốc tế.

- Lựa chọn, hỗ trợ tham gia phân phối sản phẩm đặc sản của tỉnh thông qua hình thức thương mại điện tử, chuyển đổi số ngành thương mại; trên các trang mạng giới thiệu và bán sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc sản hiện có; trên các hệ thống Sàn bán hàng điện tử của tỉnh.

- Tổ chức hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực thường niên tại tỉnh (01 lần/năm) tập trung vào các sự kiện văn hóa, du lịch lớn (Lễ hội ,…).

- Đối với các hội chợ, triển lãm khác: tổ chức gian hàng chung của tỉnh để giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trưng bày, quảng bá và tìm kiếm thị trường.

- Tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhà phân phối nhằm đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế vào các kênh phân phối.

- Quảng bá danh mục sản phẩm đặc sản tỉnh trên các phương tiện thông tin truyền thông; duy trì, phát triển website sản phẩm đặc sản Huế.

III. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

Tổ chức thực hiện Kế hoạch trên cơ sở lồng ghép các nguồn vốn sau:

- Nguồn khuyến công và xúc tiến thương mại;

- Nguồn khuyến nông, lâm, ngư;

- Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Chương trình phát triển khoa học công nghệ, tài sản trí tuệ;

- Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình xây dựng nông thôn mới;

- Chương trình phát triển thương mại điện tử;

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Hỗ trợ xây dựng, hình thành chuỗi cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể: Gian hàng tại các siêu thị Big C, Coopmart và các chợ lớn trọng điểm tại thành phố Huế; Điểm bán hàng tại các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch; Mỗi huyện, thị xã ít nhất phải hình thành 01 Quầy giới thiệu và bán sản phẩm tại trung tâm huyện, thị xã.

- Xây dựng danh mục sản phẩm đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế để tập trung ưu tiên phát triển; Quảng bá danh mục sản phẩm đặc sản tỉnh trên các phương tiện thông tin truyền thông và duy trì, phát triển website sản phẩm đặc sản Huế.

- Quản lý, duy trì và phát triển “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế” và “Con dấu nhận diện sản phẩm đặc sản Huế”.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm: đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, đào tạo nghề, thiết kế cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu sản phẩm.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng kinh tế số. Lựa chọn, hỗ trợ tham gia phân phối sản phẩm đặc sản của tỉnh thông qua hình thức thương mại điện tử, chuyển đổi số ngành thương mại; trên các trang mạng giới thiệu và bán sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc sản hiện có; trên các hệ thống Sàn bán hàng điện tử của tỉnh.

- Tổ chức hội chợ triển lãm chuyên ngành về sản phẩm đặc sản thường niên tại tỉnh (01 lần/năm) tập trung vào các sự kiện văn hóa, du lịch lớn (Lễ hội ,…).

- Tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cấp tỉnh hoặc các doanh nghiệp mang sản phẩm đặc sản của tỉnh (tùy thị trường) đến giới thiệu tại các thị trường trong nước và quốc tế.

- Tổ chức gian hàng chung của tỉnh để giới thiệu và bán sản phẩm sản phẩm đặc sản tỉnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trưng bày, quảng bá và tìm kiếm thị trường thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; chương trình kết nối, giao thương tiêu thụ hàng hóa, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và miền núi,...

- Tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhà phân phối nhằm đưa các sản phẩm đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế vào các kênh phân phối.

- Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các quy trình, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

- Triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế của địa phương, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các nhóm cây trồng chủ lực ưu tiên. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh về dược liệu, đầm phá và ven biển.

- Quy hoạch vùng trồng nguyên liệu dựa trên điều kiện lập địa phù hợp với đặc tính tự nhiên của cây đặc sản. Xây dựng các vườn ươm cây giống; sưu tầm, tuyển chọn cây trội, áp dụng các phương pháp nhân giống mới vào sản xuất phục vụ cho phát triển vùng nguyên liệu. Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm đặc sản gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Hỗ trợ phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân (Ưu tiên phát triển các chuỗi giá trị thuộc các nhóm sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trở thành sản phẩm chủ lực địa phương).

- Xây dựng một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó quan tâm hỗ trợ các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản; hỗ trợ chuyển đổi các loại hình sản xuất hiệu quả thấp sang trồng nguyên liệu chế biến cây đặc sản; hỗ trợ đầu tư, tiếp nhận ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất; Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để tạo ra các sản phẩm nông sản thành hàng hóa thương hiệu...

- Xây dựng và triển khai “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025”. Có giải pháp nâng hạng sao đối với sản phẩm OCOP của tỉnh.

- Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các quy trình, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

- Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế: xây dựng, đăng ký tài sản trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến...;

- Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai, tham gia Chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm đặc sản của tỉnh (tập trung vào các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh).

4. Sở Y tế

Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các quy trình, thủ tụ Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các quy trình, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý. Thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm, kiểm tra, kiểm nghiệm, và các nhiệm vụ liên quan khác.

5. Sở Tài chính

Phối hợp các Sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật.

6. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, tập trung lồng ghép các nguồn lực để xây dựng và triển khai kế hoạch tại địa phương; kế hoạch tập trung vào các nội dung cụ thể: 

- Xây dựng danh mục sản phẩm đặc sản của địa phương để tập trung ưu tiên phát triển;

- Quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu;

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, áp dụng các quy chuẩn địa phương;

- Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm và thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm;

- Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm và hỗ trợ xúc tiến thương mại: Xây dựng, hình thành chuỗi cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực tại các địa phương, cụ thể: Gian hàng tại các siêu thị Big C, Coopmart và các chợ lớn trọng điểm tại thành phố Huế; Mỗi huyện, thị xã ít nhất phải hình thành 01 Quầy giới thiệu và bán sản phẩm tại trung tâm huyện, thị xã.

7. Các tổ chức, cá nhân, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có liên quan

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham gia thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt.

- Chủ động bố trí các nguồn lực để thực hiện Kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.

Các cơ quan, đơn vị được phân công nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn và định kỳ (trước ngày 15 tháng 12 hàng năm) báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Công Thương tổng hợp, đề xuất) xem xét, quyết định./.

 

 Bản in]