Nguyễn Đình Chiểu
  
Cập nhật:26/12/2024 12:00:00 SA

1. Vị trí con đường

Đường Nguyễn Đình Chiểu nằm trên địa bàn hai phường Phú Nhuận và Vĩnh Ninh, sát bờ Nam sông Hương, khởi đầu từ đường Lê Lợi (sát chân cầu Trường Tiền), chạy men theo sông Hương qua ngã ba đường Phạm Hồng Thái đến đường Bà Huyện Thanh Quan, dài 560m. Đường lưu thông một chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường hình thành từ đầu thế kỷ 20, cùng thời với việc người Pháp xây dựng khách sạn Morin. Từ năm 1955 trở về trước, đường này thường được gọi là Bờ sông Pát-tơ (Quai Pasteur). Sau năm 1956, đặt tên là đường Nguyễn Đình Chiểu cho đến ngày nay. Đường này trước năm 1990 chỉ dài hơn 300m, đoạn còn lại được mở tiếp từ năm sau năm 1991 đến năm 2002 mới hoàn chỉnh. Là con đường chỉ một mặt phố có nhà ở quay ra sông Hương.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Nguyễn Đình Chiểu (Nhâm Ngọ 1822 - Mậu Tý 1888) Nhà thơ yêu nước cận đại, hiệu Mạnh Trạch Phủ, quê nội ở làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, thân phụ là Nguyễn Đình Huy vào cư ngụ tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, lấy bà Trương Thị Thiệt quê ở làng Tân Khánh, huyện Bình Dương (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh) và sinh ra ông tại đấy. Theo tông phả Nguyễn Đình thì ông có tên là Chiếu nhưng phạm húy nên đổi thành Chiểu. Năm 21 tuổi ông đỗ Tú tài, sau ra Huế ở học thêm chờ khoa thi năm 1849. Bỗng nhận được tin mẹ mất, ông đành bỏ lỡ chuyện thi cử trở về chịu tang, dọc đường khóc thương mẹ rồi bị bệnh mù cả hai mắt. Thời gian sau ông ngồi dạy học tại nhà, học trò theo học rất đông, từ đấy ông được nhân dân xưng tặng là Đồ Chiểu hay Tú Chiểu. Khi Pháp chiếm Gia Định ông lui về ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tiếp tục dạy học và làm thuốc. Ông thường liên hệ mật thiết với các nhóm nghĩa binh kháng Pháp như nhóm của Đốc binh Nguyễn Văn Là, Lãnh binh Trương Định. Ông tích cực dùng văn chương kích động lòng yêu nước của các giới, bất hợp tác với kẻ thù mặc dù chúng dùng mọi thủ đoạn mua chuộc ông. Khi được tin Trương Định mất, ông làm văn tế "Vong hồn mộ nghĩa" thương xót bao chiến sĩ hy sinh vì đất nước, thương cho cuộc suy tàn trước cái chết của Trương Định, Phan Tòng và bao người khác. Ông mất ở tuổi 66, để lại nhiều thơ ca yêu nước và những tác phẩm chính: Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật. Gia đình ông, từ em trai đến vợ, con đều là những người vì nước vì dân. Ông có nhiều người con, con gái thứ tư là Nguyễn Kim Xuyến, con gái thứ năm là Nguyễn Xuân Khuê, hiệu Nguyệt Anh khi chồng mất thêm trước biệt hiệu chữ Sương thành Sương Nguyệt Anh. Cả hai đều đẹp, hay chữ, giỏi thơ văn, người đương thời gọi là Nhị Kiều. Sương Nguyệt Anh quản tòa báo Nữ Giới Chung do ông Lê Đức chủ trương. Nguyễn Đình Chiêm là em thứ bảy của bà cũng nổi tiếng về đức hạnh và sáng tác văn chương. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn, một chiến sĩ đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và còn là một nhà văn hóa của dân tộc hồi cuối thế kỷ XIX. Nhà hàng Thiên Đàng, Công viên Tứ Tượng, Nhà khách Nguyễn Đình Chiểu, Nhà hàng Bằng Lăng nằm trên đường này. Sau lễ hội Festival 2002, đường Nguyễn Đình Chiểu cũng được gọi là Phố Đêm. Đầu năm 2004, thành phố Huế chọn đường này làm Phố đi bộ.

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối