1. Vị trí con đường
Đường Lý Thái Tổ là đoạn quốc lộ 1A thuộc địa bàn phường An Hòa, về phía Tây Bắc Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Lê Duẩn (điểm tiếp giáp cầu An Hòa), chạy qua cầu Cống Chém, qua ngã ba Nguyễn Văn Linh đến cầu Quán Rớ (giáp địa phận huyện Hương Trà), dài 2470m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đoạn đường quốc lộ 1 này hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc đào sông, đắp đường, xây dựng Kinh thành Huế. Nguyên trước thuộc địa phận huyện Hương Trà, thường gọi là đường Thống Nhất nối dài. Sau tháng 9/1981, sát nhập vào thành phố, dân gian quen gọi là đường Cống Chém. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Lý Thái Tổ.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Lý Thái Tổ (Giáp Tuất 974 - Mậu Thìn 1028) Lý Thái Tổ là miếu hiệu của vị vua khai sáng nhà Lý, người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, nay là làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tên thật là Lý Công Uẩn. Năm 3 tuổi ông được nhận làm con nuôi của sư Lý Khánh Văn, sau theo học với Sư Vạn Hạnh, Quốc sư nhà Lý. Ông thông minh khác người, có tài văn võ. Đến tuổi trưởng thành làm quan đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ của nhà Tiền Lê. Khi nhà Tiền Lê suy vi, Lê Ngọa Triều bạo ngược và đã mất, các đại thần bèn phò ông lên ngôi vua, lấy hiệu là Thuận Thiên. Vua lên ngôi, thấy thế cuộc Kinh đô Hoa Lư chật hẹp, năm sau, 1010, vua xuống Chiếu cho dời đô từ Hoa Lư ra Đại La (sau đổi Đại La thành Thăng Long - Hà Nội ngày nay). Vua sửa sang chính trị, trọng dụng người tài, đãi trọng tăng sĩ, xây dựng nhiều chùa chiền và đúc tượng thờ Phật, năm 1018 cho người đi thỉnh kinh Đại Tạng; đạo Phật dưới thời ông là Quốc giáo. Lý Thái Tổ là một vị minh quân ưu tú hiếm thấy trong lịch sử dân tộc.Vua mất ngày 31/3/1028, hưởng thọ 54 tuổi, ở ngôi được 19 năm. Ngoài một vị minh quân, ông còn là một tác giả đã để lại các tác phẩm chính: Thiên Đô Chiếu (Chiếu dời Đô), Hoàng triều ngọc văn, Tức sự. Dưới thời nhà Nguyễn, vua Lý Thái Tổ được phối thờ ở miếu Lịch Đợi Đế Vương. Công ty cổ phần cơ khí xây dựng, Chùa Kim Đức, Bến xe phía Bắc thành phố, Nhà máy bánh kẹo Huế, Trường Tiểu học Triều Sơn Tây nằm trên đường này.