Nguyễn Hoàng
  

1. Vị trí con đường

Đường Nguyễn Hoàng nằm giữa ranh giới địa bàn phường Kim Long và xã Hương Long, về phía Tây Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Kim Long (tại ngã ba Kim Long và Nguyễn Phúc Nguyên), qua ngã ba đường Phạm Thị Liên đến đường Lý Nam Đế (đường Lữ Gia cũ), dài 1100m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành từ thế kỷ 17, cùng thời với việc xây dựng phủ chúa ở Kim Long. Nguyên xưa là đường làng, thuộc đất huyện Hương Trà, tháng 9/1981, sát nhập vào thành phố, đường được mở rộng thêm. Trước năm 1995, là đường Hương Bình. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt lại tên mới là đường Nguyễn Hoàng. Dân gian thường gọi là đường Đất Mới.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Nguyễn Hoàng (Giáp Thân 1524 - Quý Sửu 1613). Nguyễn Hoàng, vị chúa đầu tiên khai sáng nhà Nguyễn ở Đàng Trong, đồng thời là người đặt nền tảng cho việc gây dựng cơ nghiệp triều Nguyễn sau này, thường gọi là Chúa Tiên. Ông là con thứ 2 của Triệu tổ Nguyễn Cam (Kim), người khởi quân Trung Hưng nhà Hậu Lê. Tổ tiên quê gốc vùng Gia Miêu (thuộc huyện Tống Sơn, Thanh Hóa). Ông là người tướng "Vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rộng, thần thái khôi ngô, thông minh tài trí, người thức giả biết là bậc phi thường". Lúc còn thiếu thời đã cùng cha theo phò tá vua Lê lánh nạn ở Lào. Năm 21 tuổi đã được tập phong Hạ Khê Hầu. Có công lao dẹp loạn, chém tướng nhà Mạc, vua Lê Trang Tông phong tước Đoan Quận Công. Năm 1558, lúc ông mới 34 tuổi, theo kế lâu dài hùng cứ phương Nam ông đã đem những người đồng hương huyện Tống Sơn và nghĩa dũng vào đóng ở làng ái Tử (nay thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Năm 1570, ông cho dời đô qua làng Trà Bát cách chỗ đóng đô trước vài dặm. Năm này ông được phong Tổng trấn tướng quân kiêm lãnh hai xứ Thuận- Quảng. Năm 1572, tướng Mạc là Lập Bạo tấn công Thuận Hóa bị ông đánh bại và giết chết. Năm 1573, vua Lê Thế Tông tấn phong ông chức Thái phó. Ông chăm lo vỗ về quân dân Thuận Hóa, ban hành chính sách dưỡng dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ, cho thuyền buôn ngoại quốc vào buôn bán đông đúc. Chẳng bao lâu xứ Thuận - Quảng trở nên một nơi đô hội lớn. Năm 1593, ông đem quân ra Đông đô yết kiến vua Lê, được phong chức Tả Đô đốc Chưởng phủ sự, Thái úy Đoan Quốc Công. Ông ở lại Đông đô 8 năm, thường đem binh đánh dẹp tàn quân nhà Mạc, đánh đâu thắng đó. Năm 1595, ông được cử làm Đề điệu điều hành công việc khoa thi Tiến sĩ. Năm 1599, vua Kính Tông tấn phong ông làm Hữu tướng. Năm 1600, ông dùng kế đi đánh phản loạn rồi đem tướng sĩ, binh thuyền vào Thuận Hóa tránh sự truy sát của họ Trịnh. Ông cho dời dinh sang phía đông của dinh cũ gọi là Dinh Cát. Để một người con trai và cháu làm con tin ở lại Đông đô, gả con gái cho Trịnh Tráng, tiếp tục dùng kế thuần phục nuôi dưỡng quân dân. Năm 1601, ông cho xây chùa Thiên Mụ ở Huế, chùa Long Hưng, chùa Bo Châu ở Quảng Nam, chùa Kính Thiên ở Quảng Bình, lập con làm Thế tử. Năm 1611, đánh tan quân Chiêm xâm lấn Thuận - Quảng, nhân đấy lấy đất phên dậu lập phủ Phú Yên. Chúa băng hà ở tuổi 89, với 56 năm trên ngôi, lăng mộ táng ở làng Thạch Hãn, sau dời về thôn Lệ Khê, huyện Hương Trà, tên lăng là Trường Cơ. Sau này Gia Long truy tôn là "Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung ý Cần Nghĩa Đạt Lý Hiển ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ Hoàng Đế". Miếu hiệu là Thái Tổ, long vị thờ án chính giữa Thái Miếu Huế và nhiều nơi khác. Công lao mở nước hào kiệt xưa nay chưa ai bằng. UBND xã Hương Long, Trường THCS Kim Long, Chùa Kim An nằm trên đường này.

 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ

Thư viện ảnh