1. Vị trí con đường
Đường Ông Ích Khiêm nằm trên địa bàn hai phường Thuận Hòa và Đông Ba, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Tôn Thất Thiệp, ngang qua các cửa Nhà Đồ, cửa Quảng Đức, Thể Nhơn, Thượng Tứ đến đường Xuân Sáu Tám (tiếp giáp tại ngã tư giao nhau các đường Ngô Đức Kế, Tống Duy Tân), dài 1082m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường được hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Từ năm 1955 trở về trước là đường Cột Cờ và một đoạn là đường Nhà Thương Nhỏ. Sau năm 1956, đặt lại tên mới là đường Ông Ích Khiêm cho đến ngày nay.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Ông Ích Khiêm (Nhâm Thìn 1832 - Giáp Thân 1884): danh sĩ cận đại, hiệu Mạc Chi; quê ở làng Phong Lệ, nay thuộc xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng. Xuất thân trong một gia đình nông dân, tính ông khảng khái, cương trực lại thông minh giỏi cả văn lẫn võ. Năm 1852, ông đỗ Cử nhân, được bổ làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ông làm quan nhưng không xu nịnh theo thời thế nên bị vu hại, bị cách chức sau đó ít lâu. Sau được thu dụng lại, bổ làm quan võ, thăng Tiểu phủ sứ, nên đương thời gọi là "Ông Tiểu Phong Lệ"; Ông là họ, Tiểu là chức quan, Phong Lệ là làng quê; ông được phong tước Kiên Dũng Nam. Ông ích Khiêm giỏi cầm binh, đánh dẹp các cuộc nổi loạn chống lại triều đình rất có mưu lược. Ông được phong chức Thị Lang Bộ Binh. Do trực tính, lại có công bình định nổi loạn, ông lại đứng về phe chủ chiến đánh Pháp nên đám quyền thần ghen ghét ông, chúng kiếm cớ đày ông đi Bình Thuận và bức tử ngay trong nhà lao, vào năm Giáp Thân,1884, hưởng dương 52 tuổi. Triều vua Hàm Nghi, ông được truy phục chức Thị độc. Sinh thời ông là võ quan rong ruổi mình ngựa, song ông cũng có làm thơ, nhiều bài thơ còn được truyền tụng, nhiều giai thoại được nhắc nhở. Ông có hai câu thơ nhận xét thời cuộc lúc bấy giờ: "Nhất giang lưỡng quốc nam phân thuyết Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường". (nghĩa là một con sông (Hương) chia đôi làm hai chế độ (hai nước) một bên Nam triều, một bên giặc Pháp, không hiểu nổi. Bốn tháng ba vua ấy là điềm chẳng lành). Và bài thơ nhắc khéo tên hai ông quan quyền thần lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Di tích đàn Âm hồn, Tỳ Bà trang của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, Đình cổ phường Trung Tích, Chùa Thành Nội nằm trên đường này.