Hội tụ tinh hoa nghề Việt tại Festival Nghề truyền thống Huế 2013
  
Phát huy những hiệu quả đã đạt được qua bốn kỳ Festival nghề truyền thống Huế từ năm 2005, 2007, 2009, 2011, năm nay, UBND thành phố Huế tiếp tục tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ năm, năm 2013 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" diễn ra từ ngày 27/4 đến 1/5/2013. Festival nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển du lịch và sẽ là không gian gặp gỡ, giao lưu tinh hoa giữa các Nghề và Làng nghề đã có hàng thế kỷ trên khắp mọi miền của đất nước.
Hội tụ tinh hoa nghề Việt tại Festival Nghề truyền thống Huế 2013
Hội tụ tinh hoa nghề Việt tại Festival Nghề truyền thống Huế 2013

Hội tụ tinh hoa Nghệ nhân và các Làng nghề       

Festival Nghề truyền thống Huế 2013 với sự tham gia của nhiều nghệ nhân và làng nghề ở Thừa Thiên Huế cùng các nghệ nhân bàn tay vàng từ các làng nghề trên cả nước sẽ mang đến những sản phẩm độc đáo, cùng những hoạt động nghề sống động. Tại Festival sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, tạo ra một không gian nghệ thuật hấp dẫn, mang đậm nét truyền thống. Các sản phẩm truyền thống nổi tiếng trên cả nước sẽ hội tụ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển Nghề và Làng nghề gắn với sự phát triển của du lịch. Mang đến sự bất ngờ, kỳ thú đối với du khách và người dân địa phương.       

Festival Nghề truyền thống Huế 2013 sẽ hội tụ nhiều Nghề và Làng nghề như: Nón lá Phú Cam, nón Mỹ Lam; Thêu; Đan đát mây tre Bao la; Pháp lam; Hoa giấy Thanh Tiên; Dệt Zèng A Lưới; Mỹ nghệ gỗ Mỹ Xuyên; Mỹ nghệ kim hoàn của làng Kế Môn; Gốm Phước Tích; Đèn lồng và Diều Huế… Đây là các làng nghề nổi tiếng có từ lâu đời tại Huế nay có cơ hội giao lưu với Nghề và Làng nghề nổi tiếng, có hàng trăm năm trong cả nước, như: Gốm Bát Tràng; Gốm Bình Dương; Thêu; Các làng nghề Hội An; Đồ mỹ nghệ gỗ Lâm Đồng; Đá Mỹ nghệ Non nước Đà Nẵng; Mây tre thành phố Hồ Chí Minh; Thổ cẩm Sơn La…   

Các nghệ nhân được tôn vinh

    

Theo ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2013 thì sẽ có rất nhiều chương trình nhằm tạo ra không gian giao lưu, trao đổi cho sự hội tụ giữa các Nghề và Làng nghề. Đặc biệt, Nghệ nhân và các Làng nghề được tôn vinh trong không gian trữ tình, thoáng đảng bên bờ sông Hương; các nghệ nhân đến với Festival phần lớn là nghệ nhân bàn tay vàng, nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú đến từ 21 làng nghề trong cả nước. Không gian tôn vinh sẽ trưng bày sản phẩm, giới thiệu kỹ thuật và các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của các Nghề và Làng nghề. Đặc biệt du khách và người dân có thể cùng thao tác sáng tạo để làm ra các sản phẩm và mang về làm kỷ niệm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.       

Đồng hành cùng Festival, từ ngày 26/4 đến 1/5 sẽ diễn ra “Hội chợ Triển lãm làng nghề Việt Nam năm 2013”, hội chợ với quy mô 150 - 180 gian hàng. Trong đó, có khoảng 50 gian hàng giới thiệu nghề thủ công truyền thống, làng nghề, ngành nghề nông thôn của tỉnh Thừa Thiên Huế, còn lại là các sản phẩm của các làng nghề khác trong cả nước. Hội chợ một lần nữa tôn vinh các nghệ nhân, các thợ thủ công và hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề giới thiệu, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.        

Đa dạng và phong phú các hoạt động

Ngoài các chương trình nhằm tôn vinh Nghề và Làng nghề thì Festival Nghề truyền thống Huế 2013 còn có nhiều chương trình thú vị, hấp dẫn và mới lạ. Chương trình khai mạc trong đêm 27/4 là chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp được sân khấu hóa lung linh, huyền ảo trước bia Quốc học Huế.

Đáng chú ý tại Festival lần này đó là Chuyến lưu diễn và triển lãm Mestamorphoses từ Pháp, giới thiệu thêm 5 kỷ thuật khéo léo về ngành dệt may và các sáng tạo mang hơi thở đương đại của Pháp; ngoài ra còn có các chương trình nổi bật của các nghệ sĩ trong và ngoài nước cùng song hành diễn ra như chương trình trình diễn thời trang ấn tượng với sự tham gia của Nhà tạo mẫu Minh Hạnh, Công Khanh (Việt Nam), Fracoise Hoffmann (Pháp), Patis Tesoro (Philippin) và Kinor Yang (Hồng Kông).       

Lễ hội quốc tế Dệt may được khai mạc sáng ngày 27/4

Festival Nghề truyền thống Huế năm 2013 sẽ còn có nhiều chương trình hưởng ứng khác, như: Triển lãm Ảnh nghệ thuật về làng nghề; Hội thảo “Nghề và Làng nghề truyền thống với du lịch”; Hội thi về một số nghề, hướng dẫn và dạy làm các sản phẩm thủ công truyền thống; Gặp gỡ, tọa đàm và tôn vinh các nghệ nhân; Đi bộ vì màu xanh quê hương; Các chương trình biểu diễn văn nghệ, quảng diễn đường phố; Các chương trình nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật ẩm thực Huế, trò chơi dân gian…       

Bên cạnh đó, Festival Nghề truyền thống Huế 2013 sẽ là dịp để trưng bày các cổ vật, tinh hoa bàn tay của người thợ thủ công hàng trăm năm trước tại bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên tại Huế của nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn với những hiện vật có giá trị quý. Festival Nghề truyền thống Huế 2013 còn có trưng bày “Di sản trong qua trình biến chuyển”. Triển lãm tre, trưng bày giới thiệu sản phẩm của 20 nghệ nhân, nhà thiết kế, sáng tác: Dệt may, in khung, đan nghệ thuật ba chiều, vẽ hiện thực trên vải, thêu tay, nhuộm vải.

Với mong muốn tạo ra một lễ hội cộng đồng, sự gắn kết giữa người dân và du khách thông Nghề và Làng nghề truyền thống của Việt Nam, chương trình bế mạc sẽ được diễn ra từ 16h đến 20h ngày 1/5, bắt đầu với chương trình lễ tế Tổ bách nghề tại Công viên Tứ Tượng. Sau đó, sẽ là chương trình lễ hội đường phố với lễ rước tôn vinh nghề từ công viên Tứ Tượng đến Bia Quốc học Huế. Tại đây, Ban tổ chức sẽ tuyên bố bế mạc Festival Nghề truyền thống Huế năm 2013 và hẹn gặp lại với Festival Nghề truyền thống Huế năm 2015 với nhiều chương trình hấp dẫn và thú vị hơn.

 

Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 5 được tổ chức vào năm 2013 là năm có nhiều ý nghĩa quan trọng, đó là năm thứ ba triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Đại Hội Đảng bộ thành phố Huế lần thứ X, tiếp tục thực hiện nghị quyết của tỉnh về phát triển các ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ truyền thống. Năm 2013 là năm kỷ niệm 225 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân, 20 năm quần thể di tích triều Nguyễn được công nhận là di sản thế giới và 10 năm nhã nhạc cung đình trở thành di sản phi vật thể của nhân loại.

Năm 2013 cũng ghi dấu các sự kiện lịch sử: 105 ngày xảy ra cuộc biểu tình chống thuế ở Huế (Bác Hồ lúc bấy giờ là cậu học trò Nguyễn Sinh Cung đã tham gia và khởi đầu cuộc hành trình cứu nước của mình), 100 năm Hội Đô thành hiếu cổ thành lập, 50 năm Hội LHTN Giải phóng Trung trung bộ thành lập, 45 năm chiến thắng Xuân 68.

 

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối