Sáng ngày 24/12, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì Hội nghị. Chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.
Sau 05 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến quan trọng, mạnh mẽ. Nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất tích cực, toàn diện, đồng bộ, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.
Theo đó, tình trạng tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng. Từ đó khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.
Kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong chừng mực nào đó chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, biểu hiện ngày càng tinh vi; các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội.
Tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ
Hội nghị đã được nghe dự thảo báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, ý kiến tham luận của các đại biểu về kết quả thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương và những hạn chế còn tồn tại; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật cũng như các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong những năm tới.
Tại Thừa Thiên Huế, qua 05 năm triển khai Luật Phòng chống tham nhũng, công tác phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, đã được các cấp, các ngành quan tâm, tích cực thực hiện. Ý thức, vai trò, trách nhiệm của đảng viên, công chức, trong công tác phòng, chống tham nhũng từng bước được nâng lên. Công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện xử lý vi phạm, phòng ngừa tham nhũng phát sinh. Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã tích cực xem xét, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng được phát hiện. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; kiểm soát tài sản, thu nhập,... tiếp tục được quan tâm thực hiện. Việc phòng, ngừa tham nhũng với những giải pháp đồng bộ đang từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác cải cách các thủ tục hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân trong giao dịch hành chính, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng ngừa các hành vi tham nhũng. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các hoạt động thanh tra, kiểm tra về khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tham nhũng được chỉ đạo giải quyết kịp thời.