Chung tay, góp sức để Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương
  
Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tiến hành song song xây dựng Đề án phân loại đô thị Huế và Đề án đưa tỉnh Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương, theo cơ chế đặc thù đối với đô thị Thừa Thiên Huế là tiền đề quan trọng, là điều kiện thuận lợi để sớm đưa cả tỉnh trở thành TP trực thuộc Trung ương theo KL 48 của Bộ Chính trị.
 

Kết nối giao thông, gắn mảng xanh chuyển tiếp đô thị

Không giống như các tỉnh, thành khác, trong tiến trình đưa cả tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế có những bước đi khá vững chắc, mang tính đặc thù riêng. Đô thị Thừa Thiên Huế cần những mảng xanh, chứ không phải chỉ là những dãy nhà cao tầng san sát nhau; phát triển mang đậm bản sắc Huế, hài hòa giữa mới và cũ, giữa hiện đại và truyền thống. Nghĩa là, phát triển theo hướng hiện đại, nhưng là hiện đại về hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông kết nối các đô thị.

 Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng giữa truyền thống và hiện đại. Ảnh: Thái Bình

Đô thị hạt nhân Huế bằng nhiều nguồn lực khác nhau đã và đang khoác lên mình một bộ mặt mới với hệ thống giao thông nội thị, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng và cây xanh được đầu tư và chỉnh trang. Trên các tuyến sông Ngự Hà, Đông Ba, An Cựu... bên cạnh việc bảo vệ các mảng xanh, tỉnh tập trung nguồn lực để nạo vét, chỉnh trang, tạo nét duyên dáng, độc đáo, đặc trưng như vốn có của nó. Diện mạo đô thị Huế đang thay đổi và ngày càng đẹp hơn, vệ sinh môi trường sạch sẽ, nhiều công trình kiến trúc đẹp. Thành phố phát triển nhưng cảnh quan đôi bờ sông Hương không bị xâm phạm, dòng Hương vẫn giữ được nét đẹp vốn có của nó, nhất là hệ thống cây xanh, mảng thảm xanh vẫn còn nguyên vẹn… Đô thị Huế không nóng vội trong việc phát triển nhà ở, nhưng phát triển theo hướng hiện đại về hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông kết nối các đô thị...

Sớm hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Đề án đưa cả tỉnh trở thành TP trực thuộc Trung ương; Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm đưa vào danh mục vận động ODA cho “Dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị Huế”; Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành ưu tiên bố trí nguồn lực, tạo điều kiện để triển khai Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai”; Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện các thể chế của Đại học Huế, theo định hướng của Bộ Chính trị... Đó là những mong muốn hiện nay của tỉnh, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương.
Hướng phát triển của đô thị Thừa Thiên Huế chính là sự kết nối giao thông, tạo sự “liên kết” vùng miền, cả miền xuôi lẫn miền ngược. Nhiều tuyến đường, hệ thống giao thông nội thị, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh ở các đô thị vệ tinh Hương Thủy, Hương Trà, thị trấn Phú Đa (Phú Vang), Sịa (Quảng Điền), thị trấn Phong Điền (Phong Điền)... đã làm bộ mặt từ thành thị đến nông thôn không ngừng khởi sắc. Đây chính là “động lực” hình thành các khu đô thị kiểu mẫu như An Cựu City, Phú Mỹ Thượng, Thủy Dương. Đi kèm với việc đầu tư nâng cấp phát triển đô thị, hệ thống công sở, cơ quan, đơn vị cũng đã được sắp xếp, cải tạo, xây dựng mới, từng bước tạo sự khang trang về kiến trúc đô thị cho Thừa Thiên Huế. Nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung các nguồn lực để đầu tư, đẩy mạnh xây dựng và phát triển đô thị. Hương Trà, Hương Thủy giờ đã trở thành thị xã với bộ mặt mới của các trung tâm đô thị. Phú Đa (Phú Vang) sau bao nỗ lực cũng đã trở thành thị trấn, với sự sôi động của các công trình. Rõ nhất là thị trấn Thuận An (Phú Vang), được ưu tiên đầu tư xây mới và nâng cấp các công trình hạ tầng đạt chuẩn đô thị loại IV. Các trung tâm tiểu vùng như Bình Điền (Hương Trà), Điền Lộc (Phong Điền), Thanh Hà (Hương Trà), An Lỗ (Phong Điền), La Sơn (Phú Lộc), Vinh Thanh (Phú Vang) cũng được đầu tư đúng mức đạt chuẩn đô thị loại V.

Cùng với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, các trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, y tế chuyên sâu, khoa học, công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao cũng dần được hình thành. Nhiều lễ hội truyền thống, nhất là lễ hội cung đình Huế được phục dựng; các lễ hội văn hóa tín ngưỡng không ngừng phát huy. Hệ thống di tích Cố đô Huế, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung, đứng đầu là Bệnh viện Trung ương Huế (một trong bốn bệnh viện đặc biệt của cả nước) và Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế không ngừng nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, tiếp tục khẳng định vị thế. Đại học Huế luôn giữ vị thế của một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học lớn ở miền Trung, một trong 14 đại học trọng điểm của quốc gia. Khoa học công nghệ phát triển theo hướng khai thác các thế mạnh về khoa học xã hội và nhân văn, y dược, công nghệ thông tin. Tất cả những tiềm năng, lợi thế sẵn có đó tạo nét đặc trưng riêng cho Thừa Thiên Huế trong tiến trình phát triển của mình. 

Quyết tâm đạt mục tiêu đề ra

Có thể hình dung, khi Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương sẽ có nhiều thay đổi, nhất là về diện tích. Từ 70km2 hiện nay của TP Huế, thời gian tới đô thị Thừa Thiên Huế sẽ là 5.000km2. Cả tỉnh hiện đang quyết tâm đầu tư phát triển đô thị theo hướng “Đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”. Đây là mô hình đô thị phù hợp với vùng đất có Quần thể di tích Cố đô Huế, có nhiều di sản văn hóa – lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và truyền thống văn hóa vùng đất Cố đô, TP Festival đặc trưng của Việt Nam, mang những đặc thù riêng.

“Có nhiều việc phải làm, phải tập trung thực hiện, những nhiệm vụ và giải pháp cũng đã đề ra. Song tỉnh vẫn xác định một số công việc trọng tâm, đó là, xây dựng kết cấu hạ tầng đạt chuẩn đô thị loại I. Theo đó, quy hoạch chung TP Huế hướng gắn kết cụm đô thị động lực: Huế - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An - Bình Điền, với các đô thị vệ tinh. Những tuyến giao thông kết nối nội thị, đô thị vệ tinh; Phong Điền - Điền Lộc, Thủy Phù - Vinh Thanh... Hoàn thành chỉnh trang, mở rộng cửa ngõ phía Bắc TP Huế; đẩy nhanh các công trình công cộng; phát triển hệ thống cây xanh khu vực nội thị, đô thị. Hỗ trợ các thiết chế của trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước và chuẩn bị nguồn lực quản lý đô thị trong tương lai. Có 3 chương trình trọng điểm mà tỉnh tập trung triển khai quyết liệt để đạt kết quả cao nhất. Đó là, chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phát triển du lịch và Festival 2014; xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội”. - Đồng chí Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xác định.

Với tinh thần đó, toàn tỉnh đã và đang tập trung cao nhất, quyết liệt nhất cho dự án nâng cấp Quốc lộ 1A, tạo huyết mạch nối kết với các đô thị và nối kết với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Tập trung cho Chân Mây - Lăng Cô khởi công xây dựng bến cảng số 2, thu hút nhiều doanh nghiệp để tạo nguồn lực mới. Về công nghiệp, tập trung hỗ trợ cho các đơn vị đi vào hoạt động như Nhà máy xi măng Đồng Lâm, Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam, Dệt may Hương Trà, Công ty HbI (giai đoạn 3), mở rộng Nhà máy bia Phú Bài, Nhà máy sợi Phú Bài… Tiếp tục tập trung triển khai xây dựng, nâng cao các tuyến đường, các khu đô thị, khu dân cư mới, chỉnh trang công viên, điện chiếu sáng... là hướng phát triển kinh tế cho năm 2014, tạo tiền để phát triển vững chắc cho những năm tiếp theo khi cả tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

 

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế
 Imprimer]