Động lực mới trên con đường xây dựng, phát triển Thừa Thiên-Huế
  
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhân dịp này, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy về ý nghĩa cũng như những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chung tay thực hiện trong thời gian tới.

Một tin vui đến với tỉnh Thừa Thiên-Huế những ngày cuối năm 2019 là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bí thư có thể chia sẻ đánh giá ý nghĩa của Nghị quyết 54 đối với tỉnh?

Ông Lê Trường Lưu: Sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị khóa 10, Thừa Thiên-Huế đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn đạt 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 2 lần so với năm 2009. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp. Bộ mặt đô thị, hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại hơn.

Quần thể Di tích Cố đô Huế được quan tâm đầu tư, tôn tạo để vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, chuyển sang bảo tồn nguyên vẹn. Huế được UNESCO công nhận là thành phố di sản, thành phố văn hóa du lịch ASEAN, đang hướng tới xây dựng đô thị di sản văn hóa, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Các trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực được quan tâm đầu tư, hình thành và từng bước thể hiện vai trò, vị trí trong vùng và cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm, công tác bảo vệ môi trường được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tuy nhiên, Thừa Thiên-Huế vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như quy mô nền kinh tế còn nhỏ; cơ sở hạ tầng đô thị, nông thôn vẫn còn khó khăn; việc phát huy vai trò, vị trí của các trung tâm chưa xứng tầm và mục tiêu xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chưa đạt được.

Qua tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48/ KL-TW và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ Chính trị đã có cách tiếp cận mới và cho rằng, so với nhiều địa phương khác trong cả nước, Thừa Thiên-Huế có những nét rất riêng biệt về các giá trị di sản, văn hóa, lịch sử; là nơi gìn giữ khá nguyên vẹn di sản của một cố đô. Để giúp Thừa Thiên-Huế phát huy được vai trò, vị thế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa phát triển kinh tế với với phát triển văn hóa, giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54 về xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đã xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Nghị quyết cũng đã nhấn mạnh, việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế-xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ là của riêng Thừa Thiên-Huế, mà còn của cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Nghị quyết là tiền đề cơ bản, hết sức quan trọng cho việc định hướng xây dựng và phát triển của cả tỉnh trong thời gian tới.


Không gian đô thị Huế sẽ được mở rộng trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Thế Phong

Nghị quyết 54 đã tạo một hướng đi mới rõ nét hơn, cụ thể hơn cho tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên-Huế chung tay thực hiện nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo động lực mới cho tỉnh phát triển?

Ông Lê Trường Lưu: Nghị quyết 54 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế. Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, trước hết, tổ chức thực hiện tốt việc quán triệt sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để quyết tâm triển khai thực hiện.

Thứ hai, ngay trong năm 2020, tỉnh phải đề xuất cho được các cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và hoàn thiện bộ tiêu chí về thành phố trực thuộc Trung ương cho Thừa Thiên-Huế, làm cơ sở để thực hiện các quy trình, thủ tục trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

 Thứ ba, đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, đô thị, bảo đảm sự hài hoà giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế.

Thứ tư, tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng 4 trung tâm gồm: Trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học công nghệ và trung tâm giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Tập trung nguồn lực, kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, phấn đấu cân bằng thu-chi ngân sách vào năm 2025. Phát triển Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô thành khu kinh tế động lực với các dự án du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp có quy mô lớn.

Thứ năm, phát triển đô thị Huế gắn với việc điều chỉnh địa giới hành chính đô thị, bảo đảm cho yêu cầu phát triển. Tiếp tục xây dựng, hình thành các đô thị động lực và đô thị nghỉ dưỡng ven biển.

Song song với các nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quan tâm công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị. Bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh… tạo thế và lực mới trên con đường xây dựng, phát triển Thừa Thiên-Huế.


Nghị quyết 54 xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế.

Ông kỳ vọng gì về việc trong 5 năm tới Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như mục tiêu mà Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết 54?

Ông Lê Trường Lưu: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đặc biệt là tìm ra hướng đi, định hướng cho Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan Trung ương, sự chia sẻ của các địa phương, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn quân, nhân dân cả tỉnh, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp… chúng tôi sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong 5 năm tới.

Một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong năm 2020 mà toàn đảng bộ và nhân dân trông đợi là đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Trường Lưu: Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã tổ chức quán triệt Chỉ thị và xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện toàn diện và đồng bộ, đúng lộ trình thời gian và chất lượng các nội dung công việc. Trong đó tập trung hai nội dung hết sức quan trọng đó là chuẩn bị chu đáo nội dung văn kiện và coi trọng chất lượng nhân sự.

Dự thảo văn kiện của cấp ủy trình đại hội gồm hai báo cáo chủ yếu là báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm. Trong đó báo chính trị của đảng bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, bám sát tình hình thực tế; làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm trên các lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại…, nhất là việc thực hiện ba đột phá chiến lược và sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã xác định; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, toàn diện, sát thực tế. Đồng thời, quán triệt quan điểm, chủ trương, định hướng lớn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và của cấp trên cũng như điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 và với tầm nhìn xa hơn.

Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, các cấp ủy cần nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức thích hợp, hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có kế hoạch công bố dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân.

Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khoá mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định 89-QĐ/TW, Quy định 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII (đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý), Quy định 1050-QĐ/TU, ngày 11/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cấp ủy các cấp căn cứ vào tiêu chuẩn chung nêu tại Chỉ thị này để cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu ở cấp mình.

Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ, chồng, con vi phạm các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội, phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Thế Phong - Baochinhphu.vn)

 

www.thuathienhue.gov.vn
 Imprimer]
Les autres articles
    First Previous 1 2 3 4 5 Next Last