1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Phúc Lan: nằm trên địa bàn phường Kim Long, về phía Tây Kinh thành Huế.
Điểm đầu: từ đường khu định cư Kim Long
Điểm cuối: giáp bờ sông Bạch Yến
2. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Phúc Lan (Tân sửu 1601 - Mậu Tý 1648) Nguyễn Phúc Lan, vị chúa thứ III nhà Nguyễn, ông là con thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, quê gốc ở Gia Miêu, Ngoại Trang, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1631, ông được phong Thái tử, tước Nhân Lộc Hầu. Năm 1635, chúa Phúc Nguyên mất, ông nối ngôi, triều đình tấn tôn Tổng Bình Chưởng Quân Trọng Sự Thái Bảo Nhâm Quận Công, thường gọi là chúa Thượng hay Thượng Vương. Năm 1636, ông cho dời dinh phủ cung thất từ làng Phước Yên, huyện Quảng Điền vào làng Kim Long (mở đầu cho việc định đất Kinh đô Huế sau này). Ông chỉnh đốn triều chính, sắp đặt quan lại tứ trụ đại thần cai trị toàn cõi Nam Hà. Năm 1646, ông sai tổ chức khoa thi Chính đồ và Hoa văn nhằm tuyển chọn nhân tài (đây là khoa thi đầu tiên của Đàng Trong). Trong một lần đánh trận về qua phá Tam Giang, ông bị bệnh mà mất, ở ngôi 13 năm, hưởng dương 48 tuổi. Tương truyền cái chết của ông do mỹ nữ Tống Thị bỏ thuốc độc hại ông trên thuyền. Sau khi mất, ông được dâng thụy: Đại Nguyên Soái, Thống Nhất Thuận Hóa, Quảng Nam Đẳng Xứ Chưởng Quốc Chính Uy Đoán Thần Võ Nhân Chiêu Vương, sau Gia Long truy tôn: Thần Tông Hiếu Chiêu Hoàng Đế. An táng tại xã An Bằng, huyện Hương Trà; tên lăng là Trường Diên. Hậu thế xem ông như là người đầu tiên quyết định chọn đất, dựng dinh phủ định đô để chúng ta có thành phố Huế ngày nay.