1. Vị trí con đường
Thuộc khu vực Thành nội
Điểm đầu: Lê Văn Hưu
Điểm cuối: Đinh Tiên Hoàng
2. Tiểu sử lịch sử gắn liền với con đường
Ngự Hà: là tên một dòng sông bán nhân tạo có hình chữ L, một phần được đào mới, một phần được uốn nắn từ con sông cũ, nằm theo hướng đông - tây; chảy ngang qua giữa lòng Kinh thành Huế. Nó đã được hình thành trong những thập niên đầu thế kỷ XIX; Tính đến nay đã tồn tại ngót 200 năm. Đây cũng là tên cây cầu Ngự Hà, là điểm kết thúc của con đường này.
Sông Ngự Hà đã đáp ứng cho một số yêu cầu trong sinh hoạt của triều đình nhà Nguyễn (1802 - 1945) và hàng vạn dân chúng sau đó sống bên trong Kinh thành. Quá trình hình thành và chức năng của con sông này đã được vua Minh Mạng ghi chép rõ ràng, đầy đủ nhất trong hai bài văn bia ngự chế khắc ở hai tấm bia đá dựng bên bờ bắc sông của dòng sông (bài thứ nhất ở tấm bia dựng tại đầu cầu Ngự Hà, bài thứ hai ở tấm bia dựng tại đầu cầu Khánh Ninh. Cả hai bài văn bia đều đã được “ngự chế” và khắc dựng vào năm 1836. Theo đó thì Ngự Hà đã được hình thành vào hai thời điểm khác nhau dưới thời hai vua đầu triều Nguyễn: phần phía đông vào thời Gia Long (1802 - 1819) và phần phía tây vào thời Minh Mạng (1820 - 1840).
Như vậy, hai phần phía đông và phía tây của Ngự Hà đã được hình thành cách nhau 20 năm (1805 - 1825). Bấy giờ, hai bờ của con sông đã được kè bằng đá núi (sơn thạch), dày khoảng 1,50m để giữ cho đất khỏi bị sạt lở. Có khá nhiều cầu được bắc qua sông để khách bộ hành và xe cộ qua lại.
Chiều dài của Ngự Hà là 3.388m, tính từ điểm tiếp giáp với sông Đông Ba đến điểm tiếp giáp với sông Kẻ Vạn. Bề rộng giữa hai bờ kè ở các đoạn sông là không đồng đều. Ở đông thành Thủy Quan (cống Lương Y), sông rộng đến 67m, nhưng càng về phía tây, dòng sông càng hẹp. Đến tây thành Thủy Quan, kích thước ấy chỉ còn lại khoảng 2/3. Ngày xưa, mực nước ở Ngự Hà sâu trung bình 1,50m.
Ngoài việc dùng nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày và việc giao thông vận tải bằng đường thủy, Ngự Hà còn có hai chức năng khác nữa, là thỉnh thoảng các vua triều Nguyễn dùng thuyền ngự để đi du ngoạn trên sông và quan trọng nhất là vai trò tiêu thông thoát nước trong phạm vi Thành Nội. Ở đây ngày xưa có khoảng 40 hồ ao nối kết với Ngự Hà bằng một hệ thống cống rãnh để điều tiết nước tự nhiên vào mùa nắng nóng cũng như mùa mưa lũ hàng năm.
Từ năm 2000, Thành phố Huế đã tiến hành giải tỏa các hộ dân sống dọc hai bên sông, và gần đây, cũng đã cho khởi công nạo vét sông Ngự Hà giai đoạn 2009 - 2012. Đây là lần thứ ba kể từ năm 1975, sông Ngự Hà được nạo vét. Hai lần trước thực hiện vào các giai đoạn 1992 - 1996, 2002 - 2004.