Lê Trực
  

1. Vị trí con đường

Đường Lê Trực nằm trên địa bàn phường Đông Ba, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Đoàn Thị Điểm đến đường Đinh Tiên Hoàng, dài 193m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành vào thế kỷ 19, khoảng cuối triều Thiệu Trị cùng thời với việc xây dựng Điện Long Ân. Từ 1955 trở về trước, đường có tên Tàng Cổ (lấy tên của Bảo tàng cổ vật lập từ năm 1923 nằm cạnh đường này). Sau 1956, đặt lại tên mới là đường Lê Trực. Dân gian vẫn thường gọi là đường Tàng Cổ.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Lê Trực (Khoảng cuối thế kỉ 19) Nhà yêu nước kháng Pháp cận đại, quê ở làng Thanh Thủy, nay là xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Năm 1882, khi đương làm Đề đốc giữ thành Hà Nội dưới quyền Tổng đốc Hoàng Diệu thì bị Pháp tấn công. Thành Hà Nội mất, Hoàng Diệu tuẫn tiết, Lê Trực đem quân rút về Sơn Tây, sau bị triều đình cách chức. Ông liền bỏ về quê vui thú với núi non cây cỏ. Năm 1885, hưởng ứng Hịch Cần Vương, ông cùng với Tri phủ Nguyễn Phạm Tuân tổ chức nghĩa binh chống Pháp ở vùng núi phía Tây Quảng Bình. Năm 1886 - 1887, vua Hàm Nghi ở miền thượng lưu sông Gianh, ông cùng với Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Thiệp bảo vệ nhà vua. Ông đóng quân ở lèn (núi) Chợ Cuồi, vùng trung lưu sông Gianh. Nghĩa binh của ông có trên 2000 quân, một phần có trang bị súng. Tháng 11/1886, Hoàng Kế Viêm làm Kinh Lược sứ cho người đi dụ Lê Trực về hàng, ông khảng khái trả lời: "Tôi vì vua, vì nước, sống chết cũng một lòng, chứ không dám tham sống mà quên nghĩa!" rồi lại tiếp tục chỉ huy nghĩa quân quyết chiến đấu đến cùng. Tháng 11 năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt, sau đó bị lưu đày xa xứ. Để giữ mạng sống cho nghĩa quân của ông còn lại hơn trăm người, ông buộc phải ra đầu thú, nhưng bất hợp tác với giặc, rồi lui về ẩn tại quê nhà ở làng Thanh Thủy, huyện Tuyên Hóa cho đến khi mất. Ca dao vùng Quảng Bình có câu: "Ra về nhớ bến Chợ Cuồi. Nhớ hòn lèn Trúc, nhớ người Kim Thanh", ghi lại ký ức của người dân Tuyên Hóa xưa về nghĩa quân Lê Trực thời Cần Vương chống Pháp. Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (xây dựng năm 1923 - hiện tập trung gần 9000 cổ vật của triều Nguyễn đã đăng ký - theo Giám đốc Bảo tàng Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn), Di Luân Đường nằm trên trục đường này.

 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ

Thư viện ảnh