1. Vị trí con đường
Đường Mai An Tiêm nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Nguyễn Quang Bích đến đường Trần Nhân Tông, dài 130m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Nguyên là xứ ruộng thấp, sau năm 1960 san lấp để xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Lúc đầu gọi là kiệt Ngô Viết Dũng, năm 1965 đặt tên mới là đường Mai An Tiêm cho đến ngày nay.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Mai An Tiêm Là nhân vật huyền sử của nước Văn Lang ở vào cuối thời Hùng Vương. Mai An Tiêm vốn là một nô lệ bị tàu buôn phương Nam bắt làm tặng vật dâng lên vua Hùng. Nhờ trí thông minh, nhã nhặn, yêu lao động ông được vua Hùng quí mến tin dùng đặt cho cái tên Mai An Tiêm và ban cho một người thiếp làm vợ, được bổ làm quan cai quản các nô lệ. Nhưng sau này ông bị các Lạc hầu Lạc tướng ghen ghét, dèm pha, xúc xiểm nên nhà vua nghi ông, khép vào tội phản nghịch, đày ra sống ngoài đảo xa. Tương truyền, chính lúc ông cùng gia đình bị đày ra sống ở trên hòn đảo xa ngoài khơi (nay thuộc vùng biển huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), nhờ loài chim biển từ phương Tây bay tới đảo ăn trái nhả hạt mà Mai An Tiêm đã tìm ra hạt giống dưa quí. Từ một số ít hạt dưa ấy gia đình ông đã gieo trồng nhân lên thành cả hòn đảo dưa. Sau nhiều mùa vụ, Mai An Tiêm nhận thấy đây là một loại trái cây "trời cho" rất quí, ruột đỏ ăn cực ngon ngọt, ông liền lấy que vạch lên vỏ quả dưa rồi đem thả xuống biển, với hy vọng những cơn sóng sẽ đẩy chúng vào bờ. Cách "tiếp thị" độc đáo ấy của Mai An Tiêm đã được đất liền đón nhận, họ xem như đấy là tặng vật của Thượng đế. Nhờ có thông tin, sau đó ít lâu ông cùng gia đình đã được Vua Hùng minh oan, đồng thời sai cả đội thuyền ra đảo đón Mai An Tiêm về phục lại chức cũ. Ông cùng cả gia đình rời hòn đảo thân yêu và không quên đem theo hạt giống dưa quí lên thuyền, trở về sống giữa tình thương yêu của nhà vua cùng lòng kính trọng khâm phục của người dân Lạc Việt. Để nhớ ơn Mai An Tiêm, người dân Lạc Việt đã tôn ông là "Bố Cái Dưa Tây". Hiện chỗ gia đình ông sống nơi đảo xa người ta vẫn còn gọi là bãi An Tiêm. Giống dưa quí ruột đỏ ấy gọi là dưa đỏ, sau này gọi là dưa hấu. Hàng năm, vào ngày 13 đến 15 tháng 3 âm lịch, tại đền thờ Mai An Tiêm ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, chính quyền và nhân dân địa phương thường tổ chức Lễ hội Mai An Tiêm - một lễ hội văn hóa, lịch sử giàu truyền thống được diễn ra các trò: rước kiệu, sự tích dưa hấu, dâng hương, để tưởng nhớ Mai An Tiêm, người có công khai phá, mở mang bờ cõi, thủy tổ của nghề Canh nông cho dân trong vùng. Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu là sức sống mãnh liệt của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước.
|
Một góc đường Mai An Tiêm
|