1. Vị trí con đường
Đường Đặng Thai Mai nằm trên địa bàn phường Đông Ba, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Đặng Thái Thân đến đường Nhật Lệ, dài 143m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành sau năm 1960, nguyên là khu đất vườn Thái Y viện, sau lập Khu Tình thương, rồi Cư xá Lao động, nhân đấy mà mở đường. Trước 1976 là kiệt 1 đường Hòa Bình, trước 1995 là kiệt 12 đường Đặng Thái Thân. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Đặng Thai Mai.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Đặng Thai Mai (Nhâm Dần 1902 - Giáp Tý 1984) Nhà nghiên cứu văn hóa, văn học, bút danh Thanh Tuyền, quê làng Lương Điền (nay là Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước. Thân phụ của ông là Đặng Nguyên Cẩn, tham gia phong trào Đông du rồi bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Đặng Thai Mai thông minh, lại chịu khó, lúc nhỏ ông học chữ Hán, chữ Pháp. Năm 1924 ông tốt nghiệp Trung học Vinh, ra học Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, rồi vào dạy ở Trường Quốc Học Huế. Ông tham gia Đảng Tân Việt của Lê Văn Huân, bị bắt và bị tù treo. Năm 1930, ông lại bị giặc bắt lần nữa. Sau ra tù, ông sinh sống và dạy học ở Hà Nội. Năm 1936 ông là hội viên Hội Truyền bá quốc ngữ và được Đảng Cộng sản Đông Dương giới thiệu ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ (đơn vị Quảng Nam). Từ đó ông bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và viết báo tiến bộ cách mạng bằng tiếng Việt, tiếng Pháp công khai ở Hà Nội. Ông là người đầu tiên viết về lý luận văn học theo quan điểm mác xít ở nước ta và nổi tiếng ngay với tác phẩm Văn học khái luận xuất bản ở Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, ông giữ nhiều chức vụ trong chính quyền: Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch ủy ban kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, V, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Thời kỳ này ông đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu giá trị: Lỗ Tấn thân thế, Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hóa phục hưng, Văn thơ Cách mạng đầu thế kỷ XX, Văn thơ Phan Bội Châu, Tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh,Trên đường học tập và nghiên cứu. Ông mất tại Hà Nội năm 1984, hưởng thọ 82 tuổi. Do công lao đóng góp cho khoa học và cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân, Huy chương khác. Ông được tặng giải A Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội.