1. Vị trí con đường
Đường Đào Duy Anh nằm trên địa bàn phường Thuận Lộc, về phía Đông Bắc Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Huỳnh Thúc Kháng (điểm tiếp giáp cầu Thanh Long), chạy qua trước mặt cửa Kẻ Trài, qua chợ Đồn đến đường Tăng Bạt Hổ, dài 1495m. Đường này lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường được hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc đào sông Đông Ba, năm 1899 được sát nhập vào thành phố. Trước 1945, người Pháp gọi là đường Bờ sông Đông Ba (Quai de Dong Ba), trước 1955 là đường Ba Đình và đường Bao Vinh, trước 1995 là đường Huỳnh Thúc Kháng nối dài. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định cắt một phần đường Huỳnh Thúc Kháng, đặt đường Đào Duy Anh. Dân gian thường gọi là đường Hàng Bè nối dài, có khi cũng gọi là đường Chợ Đồn.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Đào Duy Anh (Quý Mão 1904 - Kỷ Tỵ 1988) Giáo sư, nhà sử học, nhà văn hóa dân tộc, hiệu là Vệ Thạch, nguyên quán ở làng Khúc Thủy, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Từ đời ông nội vào cư ngụ tại Thanh Hóa. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông từng theo học nhiều năm ở Trường Quốc Học Huế năm 1923 ông đậu bằng Thành chung. Năm 1927, bắt đầu cộng tác với báo Tiếng Dân và trở thành cộng tác viên đắc lực của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1928, ông chủ trương cùng Phan Đăng Lưu lập Quan Hải Tùng Thư - cơ quan văn hóa của Đảng Tân Việt. Năm 1929, ông bị nhà cầm quyền đương thời bắt, sau 1 năm thì được trả tự do. Từ đó ông kiếm sống bằng nghề dạy học ở Trường tư thục Thuận Hóa và chuyên tâm nghiên cứu sử học, văn học. Năm ông 32 tuổi (1936) ông đã hoàn thành, xuất bản bộ Hán Việt Từ Điển một trong những bộ từ điển Hán Việt sớm nhất của nước ta. Ngoài Hán Việt Từ Điển, ông để lại các tác phẩm chính: Lịch sử các học thuyết kinh tế, Tôn giáo là gì?, Xã hội là gì?, Pháp Việt từ điển, Việt Nam Văn hoá Sử cương, Cổ sử Việt Nam, Từ điển Truyện Kiều, Đất nước Việt Nam qua các đời, Chữ Nôm nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nhớ nghĩ chiều hôm. Ngoài ra ông còn dịch, hiệu đính, chú giải nhiều bộ sách lớn về văn hoá, sử học Việt Nam và Trung Quốc. Ông mất năm 1988, tại Hà Nội, hưởng thọ 84 tuổi. Ông nguyên là Giáo sư dạy sử của nhiều trường Đại học ở Hà Nội, là học giả uyên thâm kiến thức sâu rộng, tác giả của nhiều công trình khoa học xã hội nổi tiếng và đã đóng góp lớn cho văn hóa sử Việt Nam. Ông được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ngôi đình phường Đệ Nhị (xưa), Chợ Kẻ Trài (Chợ Đồn), UBND phường Phú Bình, Công an Phú Bình, Chùa Phú Bình, Trường tiểu học Phú Bình nằm trên đường này.