Quyết định về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (Theo Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 10/12/2024 của UBND tỉnh)
  

Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Nội dung phương án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030

a) Diện tích, cơ cấu các loại đất: 

- Đất nông nghiệp: 7.255,23 ha;

- Đất phi nông nghiệp: 8.932,07 ha;

- Đất chưa sử dụng: 101,43 ha.

(Chi tiết theo Phụ lục 1 kèm theo)

b) Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất:

- Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp:  527,83 ha;

- Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp: 102,43 ha;

- Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện các dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn: 43,83 ha;

- Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất phi nông nghiệp: 344,33 ha.

(Chi tiết theo Phụ lục 2 kèm theo)

c) Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng:

- Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng đất nông nghiệp: 28,84 ha;

- Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng đất phi nông nghiệp: 207,14 ha.

(Chi tiết theo Phụ lục 3 kèm theo)

Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu, hệ thống phụ biểu, bàn đồ trình phê duyệt nêu tại Tờ trình nêu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Định hướng tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất huyện Quảng Điền đến năm 2050:

a) Tầm nhìn ngành nông nghiệp

- Định hướng phát triển trồng trọt:

Phát triển vành đai rau sạch, an toàn thực phẩm tập trung ở Quảng Thành, Quảng Thọ, thị trấn Sịa, Quảng Lợi và Quảng Vinh theo tiêu chuẩn hữu cơ, vietGAP, kết hợp việc quảng bá rộng rãi, xây dựng thương hiệu để đảm bảo chủ động đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

Chuyển đổi các khu vực đất trồng màu kém hiệu quả sang cây ăn quả tại Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng An. Nghiên cứu, thử nghiệm một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu.

Tiếp tục duy trì, phát triển diện tích hoa, cây cảnh tại các vùng hiện có. Chuyển đổi một số vùng đất màu kém hiệu quả để trồng các loại cây dược liệu. Phát triển vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ chăn nuôi.

- Định hướng phát triển chăn nuôi: Đầu tư xây dựng hoàn thiện các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch với công nghệ tiên tiến. Tăng cường công tác thú y, kiểm tra, kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Phát triển mô hình chăn nuôi nông hộ theo hướng tập trung đàn lớn, ứng dụng các công nghệ chăn nuôi hữu cơ, công nghệ cao đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Định hướng phát triển thuỷ sản:

Chuyển một số diện tích ruộng trũng, nhiễm mặn, sản xuất lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, hoặc trồng sen kết hợp nuôi cá cho giá trị kinh tế cao hơn ở các xã: Quảng Lợi, Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Phước, Quảng An với qui mô 170-180ha.

Đẩy mạnh và có giải pháp tổ chức khai thác hợp lý trên biển và trên vùng phá Tam Giang. Áp dụng công nghệ khai thác hợp lý để tăng năng lực khai thác, đảm bảo hiệu quả, an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác; gắn nuôi trồng, khai thác với phát triển các trung tâm cung ứng giống, cơ sở thu mua, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.

- Định hướng phát triển trang trại: Tiếp tục huy động và tranh thủ các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật các vùng trang trại, nhất là trang trại vùng cát nội đồng Quảng Thái, Quảng Vinh, Quảng Lợi và vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

 Tăng cường kêu gọi, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào trang trại theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; liên doanh, liên kết bền vững theo chuỗi giá trị, gắn phát triển kinh tế trang trại với du lịch sinh thái.

- Định hướng phát triển lâm nghiệp: Xây dựng và phát triển bền vững rừng phòng hộ ven biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn tạo vành đai rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió, chống sạt lở, bảo vệ các công trình ven phá, giảm nhẹ thiên tai do thiên nhiên gây ra.

b) Tầm nhìn ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ

* Công nghiệp:

Sau năm 2030, dự kiến phát triển thêm diện tích đất khu công nghiệp ở xã Quảng Thái nằm trong dự án Khu công nghiệp Phong Điền mở rộng thuộc 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền với diện tích khoảng 300 ha.

* Thương mại - dịch vụ:

Xây mới siêu thị tại đô thị Sịa, Quảng Thành (Thanh Hà), Vĩnh Tu, Quảng Phú theo tiêu chuẩn siêu thị hạng II đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng hình thành đô thị nghỉ mát, du lịch biển hiện đại, đáp ứng quy mô là trung tâm vùng phía Bắc của tỉnh. Xây dựng các khu dịch vụ thương mại tại vùng dịch vụ An Gia.

Quy hoạch các khu dịch vụ du lịch ven biển ở các thôn Cương Giáng, Hải Thành, Tân Thành, An Lộc (Quảng Công)

+ Ngoài việc đầu tư, quy hoạch xây dựng những khu du lịch tiềm năng, Quảng Điền tiếp tục duy trì và mở rộng loại hình du lịch cộng đồng và xây dựng Bảo tàng Đồng Quê tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với cộng đồng dân cư địa phương thân thiện, mến khách và những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc địa phương.

c) Tầm nhìn định hướng không gian đô thị

- Về phát triển hệ thống đô thị:

+ Đô thị Quảng Điền: Diện tích khoảng 16.300ha, dân số khoảng 108 nghìn người; đến năm 2045 xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại IV; phát triển đô thị và du lịch dịch vụ gắn với kinh tế nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản biển và đầm phá, kinh tế trang trại; là khu vực được từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thích ứng biến đổi khí hậu.

+ Các đô thị loại V khác: Đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các xã Quảng Thành (Thanh Hà); nâng cấp các xã Quảng Công, Quảng Ngạn... theo tiêu chí đô thị loại V.

- Về phát triển khu vực nông thôn:

+ Xây dựng, tổ chức không gian nông thôn khu vực ven đô, khu vực nông thôn đang đô thị hóa đảm bảo tính đồng bộ với đô thị kế cận. Gìn giữ bản sắc kiến trúc, cấu trúc không gian cư trú của nông thôn gắn với tổ chức các hoạt động kinh tế và văn hóa đặc sắc riêng có của Huế;

+ Cải tạo chỉnh trang các khu vực nông thôn vùng ven biển, đầm phá, vùng lũ và vùng trung du cùng với việc giữ gìn khung thiên nhiên. Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, các di tích và đặc trưng văn hóa, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trong vùng nông thôn.

-  Về phát triển vùng không gian ven biển, đầm phá:

+ Các điểm rừng ngập mặn tự nhiên, vùng khôi phục nguồn lợi thủy sản của khu vực đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được ưu tiên bảo tồn. Quản lý hệ sinh thái đặc hữu, khai thác sử dụng một cách bền vững các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

3. Vị trí, diện tích các khu vực đất phải chuyển mục đích sử dụng được xác định theo bản đồ Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (tỷ lệ 1/25.000) và Báo cáo thuyết minh tổng hợp Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của huyện Quảng Điền do Uỷ ban nhân dân huyện Quảng Điền xác lập ngày 25 tháng 11 năm 2024.

Tập tin đính kèm
STT Tên tập tin Tải về
1 Quyết định về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (Theo Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 10/12/2024 của UBND tỉnh ()
2 Phụ lục kèm theo Quyết định về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (Theo Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 10/12/2024 của UBND tỉnh) ()
thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 Trang kế Trang cuối