Phan Huy Ích
  

1. Vị trí con đường

Đường Phan Huy Ích nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Thái Phiên đến đường Thánh Gióng, dài 190m. Đường này chạy song song với đường Phan Huy Chú, lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Nguyên là xứ ruộng thấp, sau năm 1960 san lấp để xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Trước năm 1976 là đường Phạm Ngọc Kỳ (có tài liệu ghi là Phan Ngọc Kỳ); trước năm 1995 là kiệt 5 Thái Phiên. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Phan Huy ích.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Phan Huy Ích (Canh Ngọ 1750 - Nhâm Ngọ 1822): Danh sĩ cuối đời Hậu Lê, văn thần triều Tây Sơn, lúc nhỏ có tên Phan Công Huệ, do kiêng huý bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ mà đổi thành Huy ích, tự là Khiêm Thụ Phủ, hiệu Dụ Am, Đức Hiên, quê gốc ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sau ra định cư ở làng Thầy (Sài Sơn), Hà Tây. Xuất thân trong một gia đình đại khoa bảng, nhiều đời làm quan to, ông lấy em gái của Ngô Thì Nhậm. Năm 1771, ông đỗ Giải nguyên Trường thi Nghệ An, năm 1775 đỗ Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân được bổ làm Hàn Lâm thừa chỉ. Năm 1777, làm Đốc đồng Thanh Hoá, sau về Thăng Long làm Thiên sai Tri hình ở phủ chúa Trịnh. Từ 1780, ông nhiều lần cáo bệnh xin từ quan nhưng không được. Đến 1788 Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, ông được triệu mời vào Phú Xuân, vua Quang Trung cử ông làm ngoại giao với nhà Thanh. (Lúc ấy ở Thăng Long, ông bị Lê Chiêu Thống sai người đục bỏ tên ở bia Văn Miếu). Khi vào Phú Xuân, vua Quang Trung phong ông làm Tả Thị Lang Bộ Hộ, tước Thụy Nham Hầu. Năm 1790, ông đi sứ nhà Thanh cùng một số đại thần và hoàng tử nhà Tây Sơn. Khi về, thăng Thị trung Ngự sử làm ở Nội các. Năm 1801, khi Nguyễn ánh đánh Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc, ông được giữ chức Thượng thư Bộ Lễ. Đến 1802, ông bị vua Gia Long bắt được sai đánh đòn tại Văn miếu, sau mới thả về. Ông ẩn cư tại Sài Sơn, sau 1814 vào quê nội Hà Tĩnh dạy học đến cuối đời thì ra lại Hà Tây. Ông mất 1822, thọ 73 tuổi ta. Ông để lại các tác phẩm chính: Dụ Am ngâm lục, Dụ Am văn tập, Nam trình tạp vịnh, Cẩm trình ký hứng, Thanh Châu lữ hứng, Vân Sơn khiển hứng, Tinh xà kỷ hành, Cúc Đường bách vịnh, Nam trình tạp vịnh, Vân du tuỳ bút. Nhà thờ Giáo xứ Tây Linh xây dựng năm 1962 nằm cạnh đường này.

 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ

Thư viện ảnh