1. Vị trí con đường
Đường Đinh Công Tráng nằm trên địa bàn phường Đông Ba, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Đoàn Thị Điểm (tiếp giáp cửa Hiển Nhơn), qua ngã tư các đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế đến đường Xuân Sáu Tám, dài 648m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành. Là một đường quan trọng trước Tôn Nhơn Phủ và có tên gọi khá sớm. Năm 1955 trở về trước là đường Tôn Nhơn, sau 1956 đổi, đặt lại tên là đường Đinh Công Tráng cho đến ngày nay.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Đinh Công Tráng (Nhâm Dần 1842 - Đinh Hợi 1887) Đinh Công Tráng vốn là một cựu Chánh tổng, sau hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi, ông trở thành chiến sĩ Cần Vương kháng Pháp, quê ở làng Tràng Xá, nay là xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Hưởng ứng hịch Cần Vương, ông đã chiêu tập và lãnh đạo nghĩa quân hùng cứ ở chiến khu Ba Đình, thuộc huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, trên địa bàn ba thôn Mậu Thịnh, Thượng Thọ và Mỹ Khê (vì ba thôn này có đình nằm gần nhau nên gọi là căn cứ Ba Đình) đánh nhau với quân Pháp suốt ba năm ròng. Năm 1887, sau nhiều lần thất bại, quân Pháp tập trung lực lượng mạnh đánh suốt mấy ngày liền mới phá được thành. Nghĩa quân của ông bị tổn thất nặng phải rút lui về Nghệ An. Trong một chuyến về liên lạc với nghĩa quân Phan Đình Phùng, ông chẳng may bị quân Pháp phục bắn chết trong đêm mồng 5/10/1887 tại làng Trung Yên, xã Chính An, phủ Tương Dương bên bờ sông Cả, để lại tấm gương sáng về chủ nghĩa yêu nước và lòng quả cảm chống ngoại xâm. Đánh giá về ông, viên tướng Pháp là Mason thừa nhận rằng: "Đinh Công Tráng là người có trật tự, trọng kỷ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thuộc hạ quấy nhiễu dân có chí nhẫn nại, biết mình, biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế". Công ty TNHH Hương Sen, Công viên Nguyễn Văn Trỗi (tên xưa là Ba viên), địa điểm đóng Phủ Tôn Nhơn xưa nằm trên đường này.
|
Một góc đường Đinh Công Tráng
|