Đắc Lập
  

1. Vị trí con đường

Thuộc phường Thủy Xuân

Điểm đầu: Đường Hà Văn Chúc

Điểm cuối: Đường Bùi Huy Tín

2. Tiểu sử lịch sử gắn liền với con đường

Đắc Lập, tên nhà in Đắc Lập (IMPRIMERIE DAC – LAP), là nhà in đầu tiên tại Huế do Bùi Huy Tín (1876-1963) sáng lập, có trụ sở tại Huế (đường Paul – Bert, nay là đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế).

Trong một buổi chầu sớm Bùi Huy Tín xin vua Khải Định cho phép lập nhà in, ân tứ ban tên, vua Khải Định chấp thuận liền lấy từ tên ông mà ban cho chữ Đắc Lập ấn quán, sâu xa từ ý nghĩa nhân văn: Nhân vô tín bất lập, hữu tín ư đắc lập (nghĩa đại ý "Người mà không có tín thì không đứng được với đời"). Ngoài ra, nhà vua còn cho phép các quan lục bộ ai cũng có thể góp cổ phần nhà in. Bên cạnh sách vở, nhãn mác, bản đồ, biển hiệu,… nhà in Đắc Lập là cơ sở in của rất nhiều tờ báo lúc bấy giờ: La Gazette de Hué, France – Annam, Tràng An báo, Viên Âm báo, Nam triều Công báo, Trung Kỳ Bảo hộ Công báo, Ai Lao Công báo, Bulletin Administratif de l’Annam.

Tại Huế, ngoài cơ sở in ấn ở 43 đường Paul Bert (đường Trần Hưng Đạo), Đắc Lập thư quán có hai nhà sách, ở địa chỉ số 35 phố Paul Bert (phố Trường Tiền, nay là đường Trần Hưng Đạo) và đường Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi). Ngoài ra, Đắc Lập còn thiết lập một mạng lưới phân phối ở hầu khắp các tỉnh thành, và nước ngoài thì có chi nhánh ở Campuchia và Lào.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Đắc Lập đã xuất bản hơn 145 cuốn sách, góp công rất lớn trong việc phổ biến kiến thức, là cầu nối cho rất nhiều tác phẩm có giá trị học thuật đến tận tay đọc giả, gắn liền với tên tuổi của hàng loạt các tác giả chứ danh một thời: Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Phan Đăng Lưu, Bùi Thanh Vân, Đào Duy Anh, Nguyễn Bá Trác, Lê Thanh Cảnh, Lâm Mậu, Tống Viết Toại, Tôn Thất Hân, Hường Nhung, Hường Thiết, Ưng Bình, Ưng Trình, Ưng Ân, Lê Khắc Khuyến, Hồ Đắc Trung, Hồ Đắc Hàm, Lương Thúc Kỳ, Lưu Trọng Lư.

 Bản in]