Festival nghề truyền thống Huế 2019: Mang "Tinh hoa nghề Việt" đến với người dân Huế và du khách
  
Tiếp nối thành công của 7 kỳ trước, Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VIII năm 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 26/4 đến ngày 2/5/2019. Đây là kỳ Festival nghề truyền thống có thời gian tổ chức dài nhất với sự tham gia của hơn 62 cơ sở nghề, làng nghề (trong đó có trên 17 cơ sở nghề, làng nghề ngoại tỉnh) với nhiều nghệ nhân đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Lâm Đồng, Hà Nam, Ninh Thuận Hải Dương, Hòa Bình, Thái Bình, Hà Giang, Hưng Yên… Những ngày này, nhiều các cơ sở nghề, làng nghề trong và ngoài tỉnh đã và đang tích cực chuẩn bị sản phẩm để trưng bày, quảng bá, quảng diễn tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 sẽ được khai mạc vào cuối tháng 4 tới đây.
Các sản phẩm của Công ty Cổ phần Rượu làng Chuồn được sản xuất, chế tác công phu và tinh xảo
Các sản phẩm của Công ty Cổ phần Rượu làng Chuồn được sản xuất, chế tác công phu và tinh xảo

Ngoài 2 chương trình khai mạc và bế mạc, còn có nhiều hoạt động hấp dẫn với trọng tâm là giới thiệu sản phẩm nghề độc đáo, đậm đà bản sắc Việt như: Gốm Bát Tràng, nón lá, thêu, đan lát mây tre, pháp lam, trúc chỉ, hoa giấy, dệt zèng A Lưới, dệt thổ cẩm Hòa Bình, mỹ nghệ gỗ, kim hoàn, đèn lồng, diều Huế, nhang trầm, đầu lân, mỹ nghệ đồng, tranh làng Sình, lụa Vạn Phúc... Đặc biệt, lần đầu tiên tại Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VIII năm 2019, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K'ho và người Châu Mạ sẽ được đưa đến giới thiệu và tôn vinh.

Tại Festival nghề truyền thống lần này còn có nhiều sự kiện hưởng ứng đó là các buổi Triển lãm; Không gian trưng bày; Hội thi; Gặp gỡ, tọa đàm, giao lưu và tôn vinh các nghệ nhân; Chương trình quảng diễn đường phố; không gian áo dài (có may áo dài trực tiếp cho khách), Trưng bày và thao diễn nghề cho du khách; Lễ tế tổ Bách Nghệ, Lễ rước tôn vinh nghề; Tổ chức bình chọn sản phẩm thủ công và đặc sản, lễ hội ẩm thực; Bên cạnh đó, không gian sen và không gian giới thiệu Đông y Huế và Y học cổ truyền cũng lần đầu tiên góp mặt tại Festival...  

Đến với Festival nghề truyền thống Huế 2019, du khách không chỉ được gặp gỡ mà còn được giao lưu với các nghệ nhân tiêu biểu có “bàn tay vàng” trên cả nước, được tham quan và “tập” làm thợ chế tác cũng như mua các sản phẩm tinh hoa này. Đặc biệt, trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống, Lễ hội áo dài Huế 2019 qua sự kết hợp giữa 20 họa sĩ nổi tiếng của Huế và các nhà thiết kế thời trang đến từ Hà Hội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế sẽ là một trong những hoạt động chủ chốt, tạo diện mạo mới đặc sắc cho Festival Nghề truyền thống Huế lần này.

Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội trải nghiệm không gian đi bộ và cảnh quan thơ mộng của dòng sông Hương với cầu đi bộ trên sông kết nối với hệ thống đường đi bộ bờ Nam sông Hương cùng phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu mà các kỳ Festival nghề lần trước chưa từng có. Tất cả tạo thành một không gian nên thơ trải dài dọc bờ sông Hương với nhiều hoạt động hấp dẫn trong ngày hội Festival.

Theo Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2019 cho biết, Festival nghề truyền thống Huế lần này có 17 đoàn khách quốc tế đến Huế, 11 đơn vị quốc tế đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm khác tại Festival, có hơn 6 Thị trưởng các thành phố lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tham dự. Với chủ trương khôi phục và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch, bắt đầu từ năm 2005, Festival nghề truyền thống Huế đã qua 7 lần tổ chức vào các năm lẻ. Qua các kỳ tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế đã dần khẳng định thương hiệu và uy tín trong lòng công chúng và du khách trong và ngoài nước. Qua đó, tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, bảo tồn và  nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề truyền thống.

Huế là một vùng đất kinh đô xưa, nơi hội tụ những bàn tay tinh xảo của làng nghề cả nước, trong đó nghề làm phấn nụ. Để tiếp tục quảng bá thương hiệu của sản phẩm đến với người dân và du khách tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019, cơ sở phấn nụ Nhất Chi Mai sẽ chuẩn bị khoảng 3.000 hộp cho 5 loại sản phẩm, bao gồm: Phấn trang điểm cho 3 loại da (da hỗn hợp, da thường, da nhờn); dưỡng da ban đêm và sản phẩm nước hoa hồng tẩy tế bào chết cho da. Hiện nay, cơ sở đã thiết kế mẫu mã bao bì mới tinh tế, đẹp mắt thay cho túi đựng bằng nilong thông thường nhằm phục vụ du khách trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2019.


Sản phẩm phấn nụ Nhất Chi Mai thường có mặt trong nhiều kỳ Festival nghề truyền thống Huế

Tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2019, ông Đặng Văn Thạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Rượu làng Chuồn chia sẻ, Công ty sẽ giới thiệu đến du khách những sản phẩm như: Trà phủ; Tịnh tâm liên hoa Ngự trà; Thượng viện Ngự trà; Liên hoa Ngự tửu; Hoàng triều Ngự tửu… Bao bì sản phẩm được thiết kế sang trọng, đẹp mắt với 02 chất liệu gỗ và giấy. Tuy mới được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015 nhưng các sản phẩm trà, rượu cung đình ngày càng đến gần hơn với người dân xứ Huế và du khách gần xa. Đây là một trong những sản phẩm được du khách tin dùng lựa chọn làm quà tặng cho người thân, bạn bè. Có được những thành quả trên chính là sự nỗ lực không ngừng tìm tòi, học hỏi, đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền bạc và trên hết đó là sự tâm huyết yêu nghề, yêu quê hương, muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cung đình triều Nguyễn, văn hóa Huế ngày càng đến gần hơn với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.


 Hoàng triều Ngự tửu - một sản phẩm nổi tiếng của Công ty Cổ phần Rượu làng Chuồn sẽ có mặt tại Festival nghề truyền thống Huế 2019

Tại Festival nghề truyền thống Huế 2019, Thương hiệu Dầu tràm Kim Vui sẽ đem đến nhiều loại sản phẩm như: Tinh dầu tràm, cao xoa tinh dầu, tinh dầu xịt phòng,… Hiện công tác chuẩn bị nguồn sản phẩm của cơ sở đã gần như hoàn tất. Lần đầu tiên tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2019, ông Trần Văn Lực, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất MTV tinh dầu Kim Vui phấn khởi trước sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế trong việc khôi phục và phát huy các làng nghề truyền thống. Đối với doanh nghiệp Kim Vui, Festival nghề truyền thống Huế là nơi nâng tầm sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, từng bước đưa sản phẩm đến gần hơn với công chúng và du khách. Ông Trần Văn Lực cho biết, ngoài yếu tố chất lượng, Kim Vui cũng chú trọng đến việc thiết kế mẫu mã sản phẩm mới lạ, đẹp mắt, sang trọng. Bên cạnh đó, Kim Vui đã liên kết với các cơ sở thủ công mỹ nghệ để sản xuất, cho ra các loại đèn xông tinh dầu phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.


Ngoài yếu tố chất lượng, Kim Vui chú trọng đến việc thiết kế mẫu mã sản phẩm đẹp mắt, sang trọng để giới thiệu tại Festival nghề lần này

Còn Công ty TNHH MTV Hoa Nén thì đem đến Festival Nghề truyền thống Huế 2019 những sản phẩm đa đạng, phong phú gồm: Tinh dầu sả chanh; tinh dầu sả java; tinh dầu tràm; tinh dầu tràm ngâm củ nén; tinh dầu treo xe ô tô, tủ quần áo, bếp, nhà tắm; tinh dầu bạc hà; tinh dầu hoa lài; tinh dầu quế; tinh dầu bưởi; tinh dầu hoa oải hương; tinh dầu ngọc lan tây… Mặc dù mới xây dựng thương hiệu từ năm 2015, nhưng đến nay Hoa Nén đã từng bước khẳng định vị trí và lòng tin từ khách hàng nhờ đi lên từ chất lượng. Anh Lê Xuân Niên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa Nén chia sẻ: Tinh dầu tràm Huế thương hiệu Hoa Nén có quy trình tự chưng cất, đóng gói và phân phối khép kín, không hề qua một đơn vị trung gian sản xuất nào. Vì vậy, Hoa Nén có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm một cách tuyệt đối mà ít thương hiệu nào có thể làm được. Với những sản phẩm đa dạng, phong phú, đảm bảo an toàn và chất lượng, tinh dầu Hoa Nén đang từng bước khẳng định là thương hiệu đáng tin cậy cho sức khoẻ mọi người.


Tinh dầu sả chanh - một sản phẩm của Công ty Hoa Nén sẽ đem đến Festival Nghề truyền thống Huế 2019

Lần đầu tiên xuất hiện tại Festival nghề truyền thống Huế, nón lá sen và các tác phẩm lấy chất liệu từ lá sen của Nguyễn Thanh Thảo – một chàng trai xứ Huế sẽ được giới thiệu tại Không gian Sen (Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, số 17 đường Lê Lợi, thành phố Huế) cùng với những sản phẩm về sen của các nghệ nhân khác từ mọi miền đất nước như dệt tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận (Hà Nội), rượu sen, trà sen, khăn sen, quạt sen... của các nghệ nhân Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp. Được biết, từ năm 2017, Nguyễn Thanh Thảo - cựu sinh viên Khoa đồ họa tạo hình, Trường Đại học Nghệ Thuật Huế bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu nhiều loại lá cây nhằm biến chúng thành chất liệu mới trong nghệ thuật và ứng dụng vào hàng lưu niệm. Phải mất nhiều thời gian thử nghiệm, Nguyễn Thanh Thảo mới thành công với việc tạo độ bền cho lá sen, để lá sen hiện diện trên lớp lợp ngoài cùng của chiếc nón Huế. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Thanh Thảo tiếp tục đưa lá sen vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc sáng tạo riêng của người nghệ sĩ xứ Huế. Đó là những chiếc tráp đựng trang sức, bình hoa trang trí lá sen đến những chiếc đèn lồng, quạt, tranh lá sen. Nhận được sự yêu thích từ du khách trong và ngoài, chiếc nón lá sen của Nguyễn Thanh Thảo đã và đang trở thành một sản phẩm lưu niệm mang hồn riêng của đất Việt đến với thế giới. Ý nghĩa hơn, chiếc nón lá sen là một tác phẩm nghệ thuật từ thiên nhiên, là bằng chứng của sự kế thừa tinh hoa nghề truyền thống của thế hệ trẻ Việt Nam như Nguyễn Thanh Thảo.


Không gian Sen sẽ được bố trí tại 17 đường Lê Lợi, thành phố Huế

Cùng với Không gian Sen thì Không gian Giới thiệu Đông y Huế và Y học cổ truyền (sẽ được tổ chức ở Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu quán, đường Lê Lợi – TP. Huế) cũng là “điểm nhấn” độc đáo cho Festival nghề truyền thống Huế lần này dù mới lần đầu tiên xuất hiện. Được biết, công tác chuẩn bị cho Fesitval lần này đang được Hội Đông y TP, đội ngũ Thầy thuốc, Lương y thực hiện kĩ lưỡng và khẩn trương. Tại Không gian Đông y Huế, bên cạnh việc giới thiệu nghề Đông y, ngành y học cổ truyền vốn là đặc trưng của Huế, thì còn có hình thức trình diễn Đông y và tổ chức tư vấn, thăm, khám chữa bệnh và phô diễn tài năng trực tiếp của các thầy thuốc cho người dân, du khách...


Lễ hội Áo dài tại Festival nghề truyền thống Huế 2017

Festival nghề truyền thống Huế 2019 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” với nhiều chương trình, lễ hội và sự kiện đặc sắc sẽ chính thức khai mạc sau hơn 2 tuần nữa. Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực từ Ban tổ chức và từ phía các làng nghề, cơ sở nghề và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, thợ thủ công, nhiều sản phẩm làng nghề sẽ có mặt để giới thiệu những tinh hoa nhất của nghề thủ công truyền thống Việt Nam, góp phần tôn vinh tài năng của những người thợ thủ công truyền thống của không chỉ riêng Huế mà cả tất cả mọi miền của Tổ quốc. Từ đó, bảo tồn và phát triển nghề, tạo dựng bản sắc văn hóa Huế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; đồng thời góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của Cố đô Huế xứng tầm là thành phố Festival của Việt Nam, thành phố Văn hóa của ASEAN; trung tâm văn hóa, du lịch lớn và đặc sắc của miền Trung và cả nước.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối