Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành giao thông vận tải
  
(CTTĐT) - Chiều 30/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; cùng đại diện các sở, ban, ngành tham dự hội nghị.
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế

Ghi nhận kết quả ấn tượng toàn ngành giao thông vận tải (GTVT) đạt được trong năm 2024, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được không chỉ của năm 2024 mà còn là kết tinh của sự phát triển sau gần 80 năm qua của ngành GTVT.

Hội nghị có ý nghĩa lịch sử trước khi Bộ GTVT hợp nhất với Bộ Xây dựng theo chủ trương tinh gọn của Trung ương nhằm kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông với xây dựng đô thị, nông thôn, bảo đảm hệ thống nhà nước "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Điểm lại một số kết quả kinh tế - xã hội nổi bật của đất nước trong năm 2024, Phó Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP ước đạt 7% (thuộc nhóm các nước cao trên thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm.

Kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay; thu ngân sách nhà nước vượt trên 10% dự toán; bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn giới hạn cho phép. Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI cao nhất thế giới. An sinh, xã hội được bảo đảm, tỉ lệ hộ nghèo còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc xếp thứ 44/132.

Đáng chú ý, ngành GTVT đã bứt tốc ấn tượng, có sự thay đổi rất lớn trong phát triển hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành 858 km đường cao tốc và nâng tổng số km cao tốc của cả nước lên hơn 2.021 km. Hiện nay, ngành GTVT đang tiếp tục thi công khoảng 1.750 km, trong đó số km dự kiến sẽ hoàn thành năm 2025 với gần 1.200 km. Hiệu quả hoạt động của giao thông đường sắt, hàng không, hàng hải cũng tăng lên thể hiệu thước đo năng lực quản lý của ngành.

Trong công tác thể chế, những điểm đột phá, tư duy rất đổi mới khi xây dựng luật hàng không, luật hàng hải, các luật liên quan, cần tiếp tục được ngành GTVT kế thừa, hoàn thiện trong những luật khác để đạt mục tiêu phát triển cao nhất của lĩnh vực hạ tầng then chốt đối với nền kinh tế - xã hội cũng như sự an toàn của người dân.

Ngoài ra, ngành GTVT cũng đạt được kết quả nổi bật trong xây dựng cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch các phương thức giao thông với sự chuẩn bị bài bản, mở ra không gian phát triển, khả năng ứng dụng công nghệ tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian sắp tới như: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của TP. Hà Nội, TPHCM...

Tại hội nghị (ảnh: Chinhphu.vn)

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị ngành GTVT cần có nhận thức, truyền tải thông điệp "chuyển đổi mạnh mẽ cả về chất lượng, số lượng" trong quá trình hợp nhất, xây dựng bộ máy hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, "những gì đã làm tốt thì làm tốt hơn"; làm tốt công tác đào tạo, nghiên cứu; xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có tư duy đột phá, đổi mới, có tầm nhìn dài hạn về nhiệm vụ quản lý xây dựng cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn; tích hợp với lĩnh vực quản lý đô thị, nông thôn; nghiên cứu, thậm chí đi đầu trong phát triển những lĩnh vực công nghiệp mới, mang tính nền tảng khi phát triển hạ tầng giao thông đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, vận tải biển…

Cùng với việc triển khai đồng bộ hạ tầng các phương thức giao thông (đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, hàng không, đường sắt), ngành GTVT cần xem xét ưu tiên phát triển những phương thức giao thông nhằm tận dụng, phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất từng vùng miền; đồng thời bảo đảm hiệu suất, hiệu quả của các dự án giao thông trọng điểm trong một hệ sinh thái, quy hoạch kết nối tổng thể.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2025, ngành GTVT cần xác định danh mục dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2026-2030 và làm tốt công tác chuẩn bị triển khai trên cơ sở tập trung cải cách thể chế trong lĩnh vực đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không từ kinh nghiệm, bài học trong hoàn thiện tư duy đổi mới trong lĩnh vực đường bộ; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia đã và đang thực hiện...

Với tư duy "đi trước mở đường", ngành GTVT cần tiếp tục học hỏi, sáng tạo từ những dự án cụ thể, hình thành năng lực, nền tảng phát triển mới trong tương lai; mở đường cho phương pháp tư duy nắm bắt khoa học công nghệ, xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Khép lại năm 2024 nhiều thành tựu cùng chặng đường gần 80 năm phát triển rất tự hào, sẵn sàng để bước vào giai đoạn phát triển mới trong tổ chức mới, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa Bộ GTVT và Bộ Xây dựng sẽ hợp nhất thành cơ quan lớn mạnh hơn, "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", "Bộ tinh - Tỉnh mạnh - Cơ sở chuyên nghiệp", phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.

w.w.w.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối