Lưu Trọng Lư
  

1. Vị trí con đường

Đường Lưu Trọng Lư nằm trên địa bàn phường Thuận Lộc, thuộc khu vực Tây Linh, Thành Nội, khởi đầu từ đường Thái Phiên đến đường Tháng Gióng, dài 176m. Đường Lưu Trọng Lư lộ giới hẹp, lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này vốn chỉ là con kiệt nhỏ, nền rải đất, được mở từ sau năm 1960, cùng thời với việc san lấp vùng ruộng thấp trũng để lập khu dân cư mới. Trước 1975, có tên Nguyễn Tấn Định, sau bỏ tên đường này. Từ 1976 đến năm 1995, là kiệt 3 Thái Phiên. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Lưu Trọng Lư.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Lưu Trọng Lư (Tân Hợi 1911 - Tân Mùi 1991) Nhà thơ, quê ở làng Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho, thời trẻ học tại Trường Quốc Học Huế, có năng khiếu nổi bật nên sớm tham gia làng báo. Năm 1933, ông chủ trương Ngân Sơn Tùng thư ở Huế, và cộng tác với các báo Sông Hương, Phụ nữ Tân văn (Sài Gòn), Tân thiếu niên, Tao Đàn, Tiến Hoá, Phụ nữ Thời đàm (Hà Nội). Ông là một trong những chủ tướng của phong trào Thơ Mới. Thơ ông giai đoạn trước 1945 cực hay, nổi tiếng với bài "Tiếng thu": "Em không nghe mùa thu dưới trăng mờ thổn thức. Em không nghe rạo rực hình ảnh kẻ chinh phu, trong lòng người cô phụ? Em không nghe rừng thu lá thu kêu xào xạc, Con nai vàng ngơ ngác, đạp lên lá vàng khô". Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc ở Huế rồi làm Hội trưởng Hội Văn nghệ Quân khu IV, sau làm Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Bộ Văn hóa, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam. Những tác phẩm chính để lại: Người Sơn nhân, Khói lam chiều, Chiếc cánh xanh, Tiếng thu, Toả sáng đôi bờ, Người con gái sông Gianh, Từ đất này, Mùa thu lớn, Nhật ký đọc Kiều, Nửa đêm sực tỉnh (hồi ký), Tuyển tập thơ. Ông mất năm 1991 tại Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi. Năm 2000, nhà thơ Lưu Trọng Lư được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối