Nguyễn Cư Trinh
  

1. Vị trí con đường

Đường Nguyễn Cư Trinh nằm trên địa bàn phường Thuận Hòa, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Ông ích Khiêm, chạy qua ngã tư các đường Trần Nguyên Đán, Ngô Thời Nhậm, Yết Kiêu, Thạch Hãn đến đường Triệu Quang Phục, dài 1035m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành vào thế kỷ 19, cùng thời với việc xây Đàn Xã Tắc. Từ năm 1955 trở về trước, đặt tên là đường Xã Tắc. Sau năm 1956 là đường Ngô Ký. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Nguyễn Cư Trinh.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Nguyễn Cư Trinh (Bính Thân 1716 - Đinh Hợi 1767) là danh sĩ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, tên chữ là Đăng Nghi, tự là Hạo Nhiên, hiệu Đạm Am, Nghi Biểu. Cao tổ vốn họ Trịnh là người huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sau dời vào Đàng Trong ngụ tại làng An Hoà, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ông đỗ Cử nhân, làm quan đến Thượng thư Bộ Lại, kiêm Tào vận sứ, tước Nghi Biểu Hầu. Ông nổi tiếng thanh liêm, giỏi chính trị, kinh tế, ngoại giao, là người có công lớn trong việc mở nước, an dân. Ông giao thiệp với Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên, họa thơ với các danh sĩ trong nhóm Chiêu Anh Các khiến họ Mạc trọng vọng, nể phục, đưa đến việc họ Mạc thần phục chúa Nguyễn. Ông mất ở tuổi 51, truy tặng Tá lý Công thần, Vinh lộc Đại phu, tên thụy là Văn Định. Ông để lại một số bài thơ văn chữ Hán và chữ Nôm, tiêu biểu nhất là Sãi Vãi truyện và Đạm Am thi tập. Đến đời Minh Mạng, ông được truy phong Khai quốc Công thần, Hiệp biện Đại học sĩ, đổi tên thụy là Văn Cách, tước Tân Minh Hầu, thờ ở Thái miếu. Lăng mộ ông đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Công ty xây dựng thủy lợi 26 nằm trên đường này.

 Bản in]