Sư Liễu Quán
  

1. Vị trí con đường

Đường Sư Liễu Quán nằm trên địa bàn phường Trường An, về phía Tây Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Phan Bội Châu (đối diện nhà thờ Cụ Phan) đến đường Điện Biên Phủ, dài 105m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành từ thế kỷ 17, cùng thời với việc lập chùa ấn Tôn (nay là chùa Từ Đàm). Nguyên xưa chỉ là đường mòn nhỏ, đầu thế kỷ 19 mới được mở rộng thêm. Trước năm 1980 còn thuộc địa phận huyện Hương Thủy, sau năm 1981 mới nhập vào thành phố, đường được nâng cấp đổ nhựa. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Sư Liễu Quán. Dân gian vẫn thường gọi là đường trước chùa Từ Đàm.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Sư Liễu Quán (Đinh Mùi 1667 - Nhâm Tuất 1742) là thiền sư cao hạnh thời chúa Nguyễn, họ Lê, huý là Thiệt Diệu, sinh ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi, 1667, đời chúa Nguyễn Phúc Tần, niên hiệu thứ 5 vua Lê Huyền Tôn, quê ở làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân (nay là Sông Cầu, tỉnh Phú Yên). Ông mồ côi mẹ từ lúc mới 7 tuổi, năm 12 tuổi thân phụ đưa ông đến chùa Hội Tôn lễ Phật, sau vào chùa ấy học tập tu hành. Năm 1685, ông ra Đô thành Phú Xuân xin thọ giới với sư Giác Phong ở chùa Hàm Long. Năm 1691, ông trở về Phú Yên phụng dưỡng cha già. Năm 1695, thân phụ ông mất, sau khi lo an táng xong, ông lại ra Phú Xuân và thọ giới Sadi tại giới đàn chùa Thiền Lâm do Hoà thượng Thạch Liêm mở. Năm 1697, Sadi Liễu Quán lại thọ giới cụ túc tại giới đàn lớn ở chùa Từ Lâm. Năm 1699, ông vân du tham vấn khắp các miền ở Đàng Trong. Năm 1702, ông trở lại Phú Xuân thọ giới với Hoà thượng Tử Dung tại chùa ấn Tông. Từ đấy, ông chuyên tâm tham cứu công án và tu tập thiền định. Ông là người thông minh, chí khí hơn người. Suốt bao nhiêu năm tu hành, học tập, ông đã khai sáng ra chi phái Thiền mới, mang đậm phong cách của Văn hoá Phật giáo Việt Nam còn truyền lại đến ngày nay với hàng vạn đệ tử và cư sĩ, ta thường gọi là Thiền phái Liễu Quán. Do đức hạnh, năm 1742, ông được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban thụy là Chánh Giác Viên Ngộ Hoà Thượng. Văn phòng Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế nằm trên đường này.

 Bản in]