Tống Duy Tân
  

1. Vị trí con đường

Đường Tống Duy Tân nằm trên địa bàn phường Đông Ba, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Đinh Tiên Hoàng (đối diện với Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên Huế), qua ngã tư đường Lê Thánh Tôn đến đường Xuân Sáu Tám (tiếp giáp ngã tư giao nhau của các đường Ngô Đức Kế, Ông ích Khiêm), dài 505m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Từ năm 1955 trở về trước, đường mang tên Quốc Tử Giám và kéo dài qua đến đường Đoàn Thị Điểm (đoạn này hiện nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Cách mạng và Đoàn nghệ thuật Truyền thống). Sau năm 1956 đặt tên mới là đường Tống Duy Tân cho đến ngày nay. Dân gian thường gọi là đường trước Tam Tòa.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Tống Duy Tân (Đinh Dậu 1837 - Nhâm Thìn 1892) là nhà yêu nước kháng Pháp, quê xã Đông Biện, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Năm 1870 đỗ Cử nhân, đến 1875 thi đỗ Tiến sĩ, bổ làm Tri phủ Vĩnh Tường, rồi Đốc học Thanh Hoá, sau làm Thương biện tỉnh vụ, đổi sang Chánh sứ Sơn phòng tỉnh Thanh Hoá, có lúc ông đã chán chường đường quan lại bỏ về dạy học. Năm 1885, sau khi Kinh đô Huế thất thủ, ông hưởng ứng phong trào Cần Vương tham gia khởi nghĩa chống Pháp, ông lập căn cứ và trở thành thủ lĩnh của chiến khu Ba Đình, tỉnh Thanh Hoá. Sau nhiều năm làm cho quân Pháp khốn đốn, nghĩa quân của ông bị Pháp bao vây khủng bố, ông đành phải rút lui, lúc thì lánh ra Bắc, lúc chạy vào Hồng Lĩnh khiến cho quân Pháp nhiều phen bạt vía. Được một thời gian, ông bị tên Cao Ngọc Lệ (có sách ghi là Lễ) làm phản báo cho quân Pháp vây bắt. Chúng kết án tử hình và hành quyết ông vào ngày 5/10, Nhâm Thìn, 1892, hưởng thọ 55 tuổi. Trước khi mất ông có câu đối: "Món nợ tiền sinh nay mới trả. Cái danh bất tử trước còn truyền". Khi được tin ông hy sinh, nhiều thân sĩ tỉnh Thanh Hoá khóc thương tiếc làm văn thơ điếu ông: "Từ trước anh hùng, da sắt gan vàng khôn xiết tả. Đến cùng sự thế, máu sông lệ suối chảy sao trôi!" Đường Tống Duy Tân chạy qua trước mặt Tam Tòa (Viện Cơ Mật cũ), nay là Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Đường Tống Duy Tân

 

 Bản in]