Trần Văn Kỷ
  

1. Vị trí con đường

Đường Trần Văn Kỷ nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Thái Phiên, băng qua vùng ruộng Tịch điền xưa (ruộng vua cày làm lễ xuống đồng) đến đường Ngô Thế Lân (giáp cầu Khánh Ninh), dài 810m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.

2. Lịch sử con đường

Đường này nguyên xưa đã có một đoạn từ thế kỷ 19. Trước năm 1976 thường gọi là đường Khánh Ninh, dân gian quen chỉ là đường Hắc Báo (cầu Khánh Ninh cũng gọi là cống Hắc Báo, do có một đơn vị Hắc báo của quân đội Sài Gòn cũ đóng tại đây) những năm sau 1990 mới mở tiếp đoạn còn lại. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định gộp hai đoạn làm một và đặt tên là đường Trần Văn Kỷ.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Trần Văn Kỷ (? - Tân Dậu 1801) Văn thần triều Tây Sơn, nguyên tên là Chánh Kỷ, quê làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông nổi tiếng thông minh, năm 1777 đỗ đầu kỳ thi Hương ở Phú Xuân (thời kỳ này Phú Xuân đang đặt dưới quyền cai trị của chúa Trịnh), năm sau ra Thăng Long thi Hội, được gặp gỡ nhiều danh sĩ Bắc Hà. Ông quyết định không thi nữa mà trở về Phú Xuân. Năm 1786, Nguyễn Huệ hạ được thành Phú Xuân, chiêu đãi kẻ sĩ, Trần Văn Kỷ ứng nghĩa được tin dùng ngay. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế phong ông làm Trung Thư lệnh, tước Kỷ Thiện Hầu. Ông đem hết tâm huyết phục vụ triều đại Tây Sơn, giúp Nguyễn Huệ thu dụng nhân tài như Phan Huy ích, Ngô Thì Nhậm, Trần Bá Lãm, và tổ chức bộ máy chính quyền. Sau khi vua Quang Trung mất, Quang Toản nối ngôi lấy niên hiệu Cảnh Thịnh, ông vẫn giữ chức Trung Thư lệnh, nắm các việc cơ mật. Vua tuổi còn trẻ lại nghe theo Thái sư Bùi Đắc Tuyên, nên ông bị dèm pha rồi cách chức đày ra làm lính trạm ở Phong Điền, Thừa Thiên. Sau Đại Tư khấu Võ Văn Dũng dẹp được phe của Bùi Đắc Tuyên, ông được triệu về dùng, phục chức như trước. Năm 1801, Nguyễn ánh chiếm được Phú Xuân, ông trốn về quê ẩn. Nguyễn ánh sai người vời ông vào hợp tác, ông từ chối và ngầm liên lạc với vua Cảnh Thịnh đang ở Đàng Ngoài, nhưng việc bại lộ, ông bị bắt, trên đường giải về Kinh ông đã nhảy xuống sông Hương tuẫn tiết, nhằm ngày 24/12/1801. Ông là một văn thần đóng góp nhiều công sức xây dựng triều đại Tây Sơn, một mưu sĩ được Nguyễn Huệ tin dùng trong cuộc đánh đuổi quân Thanh giành lại độc lập cho Tổ quốc. Năm 1993, Bộ Văn hóa thông tin đã có quyết định công nhận khu lăng mộ ông tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bia Khánh Ninh - cầu Khánh Ninh, Khu nội trú sinh viên Đại học Huế nằm trên đường này.

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối