Trần Xuân Soạn
  

1. Vị trí con đường

Đường Trần Xuân Soạn nằm trên địa bàn phường Thuận Lộc, thuộc khu vực Tây Linh, Thành Nội, khởi đầu từ đường Thế Lữ, chạy qua ngã tư các đường Phạm Đình Hổ, Nguyễn Xuân Ôn đến đường Trương Hán Siêu, dài 318m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe tải nặng.

2. Lịch sử con đường

Nguyên là xứ ruộng thấp, sau năm 1960 san lấp để xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Từ năm 1976 trở về trước là đường Nguyễn Lấn. Trước năm 1995 là đường kiệt Tây Linh. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên mới là đường Trần Xuân Soạn.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Trần Xuân Soạn (Kỷ Dậu 1849 - Quý Hợi 1923): Nhà yêu nước kháng Pháp, danh tướng Cần Vương, quê làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đi lính thay cho con một nhà phú hào để lấy tiền nuôi gia đình. Là người nhanh nhẹn, nên trong quân ngũ ông lập được chiến công, được thăng Đề đốc Kinh thành Huế. Năm 1885, Kinh thành thất thủ, ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Quảng Trị, sau ra Hà Tĩnh. Ông được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng, lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Thanh Hoá. Từ đấy ông liên lạc và mở rộng địa bàn ra các vùng phía Bắc. Đến khi tình thế suy yếu, ông sang Long Châu, Trung Quốc tìm gặp Tôn Thất Thuyết, sau biết vua Hàm Nghi bị bắt, ông ở lại Trung Quốc. Ông mất năm 1923 tại Long Châu, thọ 74 tuổi. Ông có người em trai là Trần Xuân Huấn, con trai ông là Trần Xuân Kháng cũng hy sinh vì đất nước. Là một võ tướng, nhưng Trần Xuân Soạn cũng có làm thơ. Ông có bài thơ "Thuật hoài" lưu truyền trong nhân gian: "Dời nhà xa nước trót sai kỳ, Nam Bắc hai phen cây cỏ ghi. Đổi họ dám đâu rằng dối trá, Náu mình tạm để lánh hiềm nghi. Vợ hiền chớ trách chồng đen bạc, Con hiếu đừng chê bố lỗi nghì. Trút sạch nhớ thương dòng biển cả, Trước sau lưu lạc một tâm tư".

 Bản in]