Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
  
Cập nhật:01/11/2021 1:59:24 CH

 (Theo Kế hoạch số 339/KH-UBND ngày 30/10/2021 của UBND tỉnh)

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

- Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành Văn hóa và Thể thao là nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, đnh hướng đến 2045; thực hiện thành công Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Hoàn thiện nền tảng cơ bản xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện chương trình Chuyển đổi số của Ngành nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Hoàn thiện hạ tầng tích hợp, số hóa thông tin, đảm bảo an toàn thông tin cơ sở dữ liệu dùng chung của Tỉnh và các hệ thống thông tin quản lý của ngành Văn hóa Thể thao trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Chuyển đổi số của Ngành hướng đến hoàn thiện chính quyền điện tử và xây dựng Chính quyền số

- 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến của Ngành đạt mức độ 4;

- 85% doanh nghiệp hoạt động quảng cáo sử dụng hệ thống quảng cáo điện tử; quản lý tích hợp, liên thông quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao.

- 100% hoạt động quản lý nhà nước của Ngành sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông hoạt động quản lý nhà nước từ cấp Tỉnh đến cấp Xã và liên thông với Quốc gia (trừ các văn bản Mật theo quy định).

- 95% quy trình xử lý dịch vụ hành chính bằng quy trình số.

- Triển khai hệ thống báo cáo số tích hợp vào hệ thống báo cáo số của Tỉnh; triển khai số hóa “Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Văn hóa và Thể thao”, “Hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội” trên nền tảng dữ liệu lớn của Tỉnh.

- Triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành Văn hóa và Thể thao bảo đảm thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

- 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống báo cáo số của Tỉnh, Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành các cấp.

- 90% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chuyển đổi số của Ngành được hài lòng, đánh giá cao với chất lượng dịch vụ.

- 90% di tích, bảo tàng, điểm văn hóa cung cấp dịch vụ thực tế ảo và thanh toán trực tuyến tại các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa thông qua nền tảng số; triển khai các ứng dụng thuyết minh tự động trên thiết bị thông minh bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác.

- Hồi cố 100% tài liệu hiện có tại Thư viện Tổng hợp tỉnh theo chuẩn nghiệp vụ hiện hành đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của lĩnh vực Thư viện.

- 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học có tại Thư viện Tổng hợp tỉnh được số hóa và quản lý trên phần mềm Thư viện số.

- 100% hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn Tỉnh được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.

- 100% người làm công tác thư viện được tập huấn và đào tạo, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành Thư viện hiện đại, thông minh.

- 100% Trang thông tin điện tử của Sở, các Chuyên trang và các trang mạng xã hội của các đơn vị thuộc Sở hoạt động liên tục và có hiệu quả.

b) Chuyển đổi số Ngành hướng đến xây dựng Xã hội số

- 100% cán bộ công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị thông minh cài và sử dụng dịch vụ đô thị thông minh (Hue-S).

- 100% các hoạt động thông tin, sự kiện của Ngành được thông báo, tuyên truyền qua trang Thông tin điện tử của Sở và các đơn vị.

- Đảm bảo đường truyền mạng di động tốc độ cao (5G) tại điểm di tích, bảo tàng, thư viện, cơ sở thể thao, các trung tâm thi đấu thể thao, sân vận động.

- Tăng cường quảng bá, chia sẻ trên không gian mạng và các phương tiện thông tin điện tử về sản phẩm văn hóa, lịch sử, các môn thể thao đặc trưng và hình ảnh con người Huế; hình thành văn hóa số trong cộng đồng.

c) Chuyển đổi số ngành hướng đến phát triển Kinh tế số

- 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được cung cấp trên Hue-S.

- Phấn đấu hỗ trợ từ 15% - 30% Doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thuộc ngành Văn hóa và Thể thao quản lý tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên Hue-S.

- Thúc đẩy các thành phần kinh tế có cung cấp dịch vụ sản phẩm hàng hóa tham gia vào sàn thương mại điện tử liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao.

d) Mục tiêu phát triển an toàn thông tin

- Thực hiện công tác đảm bảo an toàn thông tin và nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức về vai trò của việc đảm bảo an toàn thông tin.

- Xây dựng hệ thống giám sát an ninh, an toàn thông minh từ xa tại tất cả các điểm đến văn hóa, di tích, các bảo tàng, trung tâm, các cơ sở tập luyện thể dục thể thao đảm bảo trong mọi trường hợp cần sự trợ hỗ trợ, xử lý kịp thời.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin trong toàn Ngành.

3. Mục tiêu đến năm 2030

- Hoàn chỉnh nền tảng số, hệ sinh thái công nghệ, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số toàn ngành Văn hóa và Thể thao, trong đó phấn đấu:

- Duy trì và đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Ngành và cung cấp trên các phương tiện, thiết bị di động.

- Hình thành nền tảng dữ liệu ngành Văn hóa và Thể thao dựa trên dữ liệu của các cơ quan Nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật  IoT, kết nối, chia sẻ rộng khắp trong toàn Tỉnh.

- 100% di tích, bảo tàng, điểm văn hóa cung cấp dịch vụ thực tế ảo; ứng dụng công số kết hợp công nghệ số 3D, 4D để giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa; 95% các dịch vụ thanh toán trực tuyến qua nền tảng số tại các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa; triển khai các ứng dụng thuyết minh tự động trên thiết bị thông minh bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác.

- 100% tài liệu cổ, quý hiếm về lịch sử, văn hóa, khoa học có trong Thư viện Tổng hợp tỉnh được số hóa và quản lý trên phần mềm thư viện số.

- Ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ tập luyện, 100% các giải thi đấu thể thao thành tích cao được ứng dụng các công nghệ ảo, công nghệ VAR…

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Chuyển đổi số Ngành hướng đến hoàn thiện chính quyền điện tử và xây dựng Chính quyền số tập trung theo giải pháp cụ thể sau:

- Nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa và Thể thao về chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước, các hoạt động chuyên môn; tăng cường công tác tham mưu giải pháp và đầu tư có hiệu quả về công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần đẩy mạnh các dịch vụ đô thị thông minh.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ thông tin trong lĩnh vực văn hóa và thể thao, đảm bảo 100% văn bản quản lý nhà nước của Ngành có áp dụng chữ ký số và trao đổi liên thông qua môi trường mạng.

- Rà soát, hoàn thiện bộ thủ tục hành chính của Ngành đảm bảo dịch vụ công được ứng dụng các tiện ích đã được triển khai để áp dụng đảm bảo đủ điều kiện công bố ở mức độ 4.

- Ban hành bộ tiêu chí sử dụng dữ liệu về kết quả triển khai quy trình số hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc, dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, công tác cập nhật báo cáo số phục vụ công tác đánh giá xếp loại công chức, viên chức hằng năm.

2. Chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động lĩnh vực văn hóa và thể thao

- Thực hiện đăng ký và sử dụng chữ ký số cho 100% cán bộ, công chức, viên chức của ngành Văn hóa và Thể thao, đảm bảo 100% cán bộ công chức, viên chức ứng dụng tốt hệ thống thông tin dùng chung của Tỉnh; sử dụng thành thạo các dịch vụ thông minh qua thiết bị di động trong công tác.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường (AR/VR) trong công tác chiếu phim, trưng bày, thuyết minh, bảo quản, phục chế,...

- Ứng dụng công nghệ số hóa các di tích, bảo vật, di vật, cổ vật quốc gia, tư liệu quý hiếm, các tác phẩm nghệ thuật, văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, các tác phẩm văn nghệ dân gian, biểu diễn nghệ thuật, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận… nhằm đưa đến những dịch vụ tốt nhất về trải nghiệm, tiện dụng, tăng giá trị và sức hấp dẫn đối với người dân, du khách; đồng thời, tạo thuận lợi cho việc lưu trữ, bảo tồn, sử dụng, tìm kiếm thông tin. Trong đó, phấn đấu từ giai đoạn 2021-2025 đạt 50% (đến năm 2030 đạt 95%) dữ liệu chuyên ngành văn hóa được số hóa.

- Ứng dụng giải pháp thông minh trong quản lý và giám sát hoạt động quảng cáo điện tử; các hoạt động quản lý chuyên ngành khác.

- Đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao; ứng dụng công nghệ số trong công tác đào tạo, tập luyện, thi đấu thể thao thể thao thành tích cao của các VĐV (thiết bị giám sát, theo dõi sức khỏe); tổ chức thi đấu thể thao (công nghệ VAR trong giám sát thi đấu); phát triển các loại hình thể thao điện tử trực tuyến bằng các thiết bị giả lập, mô phỏng cho người dân.

3. Chuyển đổi số Ngành hướng đến xây dựng Xã hội số

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội về chuyển đổi số; tuyên truyền về sử dụng, ứng xử trên môi trường số cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hình thành văn hóa số trong cộng đồng.

- Tăng cường đưa các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động văn hóa và thể thao về cơ sở, địa phương giảm khoảng cách tiếp cận thông tin, cũng như các dịch vụ an sinh xã hội cho người dân, nhất là đối với người dân tại các vùng sâu, vùng cao, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

- Hình thành hệ thống Thư viện số (Thư viện thông minh), xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động để cung cấp các dịch vụ và khả năng truy cập vào các nguồn tài nguyên, thông tin của Thư viện viện Tổng hợp tỉnh.

4. Chuyển đổi số Ngành hướng đến phát triển Kinh tế số

- Tạo các sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa; khuyến khích hình thành các doanh nghiệp chuyển đổi số theo mô hình xã hội hóa lĩnh vực số hóa di sản, văn hóa đảm bảo phù hợp với yêu cầu của ngành và của địa phương.

- Chuyển đổi số hỗ trợ lưu giữ giá trị nguyên gốc về các kiến trúc di sản, văn hóa góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu kinh phí trong công tác phục hồi, bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản văn hóa của địa phương.

- Chuyển đổi số lưu giữ các dữ liệu số trên không gian mạng, tăng giá trị quảng bá, chia sẻ tới nhiều người, góp phần gia tăng cơ hội cho các thành phần tiếp cận các sản phẩm văn hóa, thể thao của địa phương.

- Chuyển đổi số là cầu nối để kích thích phát triển công nghiệp văn hóa - du lịch; xây dựng các dịch vụ phụ trợ hỗ trợ như: sử dụng thẻ vé tham quan điện tử tại các di tích, bảo tàng; đặt và giao dịch trực tuyến tham quan mọi lúc, mọi nơi.

5. Huy động nguồn lực đảm bảo triển khai

- Tập trung huy động nguồn lực để số hóa di sản văn hóa, các tư liệu quý hiếm, tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, tác phẩm văn nghệ dân gian, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản văn hóa được UNESCO ghi danh.

- Thực hiện xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia chuyển đổi số trong Ngành đảm bảo tiết kiệm ngân sách nhà nước.

- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; trong đó tập trung vào nội dung hỗ trợ xây dựng, trang thiết bị tại các thiết chế văn hóa và thể thao trên địa bàn Tỉnh.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí từ ngân sách nhà nước bao gồm chi thường xuyên, chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển của ngành Văn hóa và Thể thao.

- Kinh phí từ các dự án, chương trình, đề tài thực hiện theo hình thức hợp tác công tư, giao nhiệm vụ, hình thức đặt hàng tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể.

- Nguồn xã hội hóa; và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo dõi và chỉ đạo thực hiện kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Văn hóa và Thể thao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đôn đốc, điều phối việc triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số của ngành Văn hóa và Thể thao phù hợp với phát triển chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Tỉnh.

2. Sở Văn hóaThể thao

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai, điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ngành Văn hóa và Thể thao giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; xây dựng kế hoạch chuyển đổi số hàng năm của ngành Văn hóa và Thể thao, kịp thời điều chỉnh bổ sung nội dung kế hoạch trong trường hợp cần thiết.

- Thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; thành lập các tổ giúp việc phân công trách nhiệm cụ thể theo lĩnh vực nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện kế hoạch; phân công trách nhiệm trong việc theo dõi thúc đẩy việc cập nhật dữ liệu của các tổ chức cá nhân có liên quan vào quy trình quản lý.

- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và tích hợp, kết nối với các cơ sở dữ liệu chung của tỉnh, quốc gia nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thống kê chuyên ngành.

- Tổ chức lồng ghép các nội dung trong chương trình, kế hoạch, đề án do đơn vị xây dựng hàng năm với việc thực hiện công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số liên quan hoạt động của Ngành.

- Xây dựng bộ tiêu chí làm căn cứ đánh giá các phòng, đơn vị và công chức, viên chức trong quá trình triển khai kế hoạch.

- Vận động và tìm nguồn tài trợ, xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ cho việc chuyển đổi số, liên thông dữ liệu ngành Văn hóa và Thể thao.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình xây dựng các hệ thống thông tin và thực hiện tuyên truyền đảm bảo an toàn thông tin mạng.

- Lập kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện từng giai đoạn, xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch.

3. Văn phòng UBND tỉnh

- Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đối số trong lĩnh vực Văn hóa và Thể thao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh; thực hiện các nhiệm vụ đối với thủ tục hành chính, liên thông các thủ tục và các nhiệm vụ tại Trung tâm dịch vụ công đối với lĩnh vực văn hóa và thể thao phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Phối hợp tổ chức hoạt động hội thảo, hội nghị và hoạt động ký kết, hợp tác của tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao.

 4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp, hỗ trợ việc triển khai các nội dung trong Kế hoạch; tham mưu xây dựng các nội dung thực hiện hoạt động trong chuyển đổi số của ngành Văn hóa và Thể thao vào trong Đề án tổng thể công nghệ thông tin và chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030.

- Tăng cường tuyên truyền các nội dung và kết quả triển khai Chương
trình chuyển đổi sổ của Tỉnh, của Ngành.

5. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Trên cơ sở đề xuất dự toán kinh phí thực hiện các nội dung thuộc Kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn kinh phí phù hợp với khả năng cân đối ngân sách tỉnh theo từng giai đoạn để thực hiện các nội dung của kế hoạch.

6. Các Sở, ban, ngành cấp Tỉnh; UBND các huyện, thị xã,
thành phố Huế

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị có trách nhiệm phối hợp thực hiện kế hoạch thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]