Add Content...

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra
  
(CTTĐT) - Sáng ngày 28/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra. Dự và chỉ đạo hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương; cùng đại diện các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị.
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế

Năm 2024, là năm có khối lượng công việc lớn, nhất là những việc đột xuất do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp giao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với các cấp, các ngành, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đoàn kết thống nhất hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả này đã góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Quan đó, ngành Thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 157.000 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính hơn 2.300 tập thể, 9.000 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.

Báo cáo cho thấy, tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 85,4% cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra (85%), nhất là tỷ lệ giải quyết tố cáo (đạt 88,5%). Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 25.823 trong tổng số 30.238 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước gần 34 tỷ đồng, hơn 19 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân hơn 106 tỷ đồng, 1,5 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 26 tổ chức, 2.235 cá nhân; kiến nghị xử lý 543 người; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 17 vụ, 21 đối tượng…

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2024, nhiều chuyên đề thanh tra lớn đã được Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện như: trách nhiệm của Thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm về thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính; quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với lĩnh vực giáo dục. Sau các cuộc thanh tra chuyên đề, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế đều đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo chung để chấn chỉnh, phòng ngừa các sai phạm trên các lĩnh vực. Điển hình như đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra, rà soát nhằm khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Một trong những giải pháp có hiệu quả của tỉnh Thừa Thiên Huế là đã tăng cường việc gặp gỡ, đối thoại với công dân trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, qua đó đã giúp cho việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại từ chỗ bị động chuyển sang chủ động đối với một số trường hợp khiếu nại cụ thể.

Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế

Nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới mà ngành thanh tra đã đề ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thanh tra cần tập trung triển khai thực hiện, trong đó nêu rõ cần phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, xác định kỹ hơn chức năng nhiệm vụ của thanh tra.

Bên cạnh phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, qua công tác thanh tra phải phát hiện những sơ hở về cơ chế, chính sách, từ đó tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách.

"Để làm việc này, thanh tra phải rất giỏi, đồng thời quán triệt tinh thần thanh tra phải phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, không trở thành lực cản của quá trình phát triển. Rất nghiêm nhưng phải rất sát thực tế, hỗ trợ cho quá trình phát triển", Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Đồng thời, thanh tra phải góp phần quan trọng trong việc đánh giá cán bộ trong toàn hệ thống, giúp Đảng có cái nhìn đúng hơn về đội ngũ cán bộ, chỉ ra, "anh này có đáng khen, có đáng bổ nhiệm không và mục tiêu cao nhất của thanh tra là duy trì kỷ cương, phép nước, duy trì trật tự pháp luật".

Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra; kết luận thanh tra phải thấu tình, đạt lý. Bên cạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì phải phòng, chống lãng phí; nêu rõ việc này không chỉ là bổ sung vào báo cáo để cho hay mà cuộc sống đang chờ đợi thanh tra hướng dẫn cho cơ sở nhận diện như thế nào là lãng phí và phải tập trung như thế nào để phòng, chống, xử lý lãng phí; trong chương trình thanh tra năm 2025 nên chọn thanh tra một vụ việc để từ đó tổng kết lại, trở thành hướng dẫn chung.

"Năm 2025 là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng và là năm bản lề để chúng ta thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm tiếp theo trong Chiến lược phát triển KTXH 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 đã được Đại hội XIII đề ra. Tôi tin tưởng rằng với bề dày truyền thống tốt đẹp và sự nỗ lực, cố gắng, tận tụy của các đồng chí, trong năm 2025 và thời gian tới, toàn ngành thanh tra sẽ tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đã tin tưởng, giao phó, đóng góp xứng đáng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, góp phần tích cực để đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển hùng cường và thịnh vượng", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

w.w.w.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối