Huyền Trân Công Chúa
  

1. Vị trí con đường

Đường Huyền Trân Công Chúa nằm trên địa bàn xã Thủy Xuân, về phía Tây Nam Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Bùi Thị Xuân (ngã ba cạnh nhà thờ Thiên Chúa giáo, Phường Đúc), chạy qua di tích Thành Lồi, qua phía sau lưng bờ thành lăng vua Tự Đức đến đồi Vọng Cảnh, dài 2750m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Nguyên ủy là đường làng Dương Xuân và Dương Xuân Thượng còn rải đất biên hòa, thuộc xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy giữa thế kỷ 19 xây dựng lăng Tự Đức, đường được mở rộng thêm. Đến tháng 9/1981, xã Thủy Xuân sát nhập vào thành phố, đường lại được nâng cấp, đổ nhựa. Tháng 5/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên là đường Huyền Trân Công Chúa. Dân gian vẫn quen gọi là đường Thành Lồi.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

 

Huyền Trân Công Chúa (Đinh Hợi 1287 - ?) Huyền Trân là Công chúa duy nhất của vua Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông. Năm 1293, vua Chàm cử một đoàn sứ thần sang Đại Việt, nhân lễ lên ngôi của Trần Anh Tông, sau khi vua cha là Trần Nhân Tông thoái vị làm Thái Thượng hoàng. Năm 1301, nước Chàm lại phái sứ bộ sang Đại Việt, nhân cơ hội này, Thượng hoàng Nhân Tông cùng phái bộ vân du qua Chàm. Thượng hoàng ở lại Kinh đô Chàm 9 tháng, trước khi trở về Đại Việt ngài đã hứa gả Huyền Trân cho vua Chàm là Chế Mân. Năm Hương Long thứ 13, 1305, Chế Mân sai sứ là Chế Bồ Đài đem hơn 100 người và vàng bạc, hương liệu quí, vật lạ sang Đại Việt cầu hôn. Triều đình nhiều người phản đối, văn nhân nghệ sĩ thì làm thơ đặt vè chế riễu, riêng Văn Túc Vương Đạo Tái tán đồng, Hành khiển Trần Khắc Chung ủng hộ nên việc gả Công chúa được suôn sẻ. Chế Mân xin nộp đất hai châu Ô, Lý làm sính lễ. Đất hai châu Ô, Lý kể từ Nam sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị vào Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam. Tháng 6 năm Hương Long 14, 1306, Chế Mân đón dâu về Chàm, lúc này Công chúa vừa tròn 20 tuổi ta. Huyền Trân về Chàm được tấn phong Hoàng hậu, mỹ hiệu là Baranecvari. Gần một năm sau thì Chế Mân chết (tháng 5/1307). Đến tháng 9 năm 1307, thế tử Chàm là Chế Đa Đa sai bầy tôi là Bảo Lộc Kê sang Đại Việt dâng voi trắng và cáo việc tang. Theo tục người Chàm, "vua băng hậu phải hoả thiêu cùng". Tháng 10 năm 1307, vua Anh Tông sai Hành khiển Trần Khắc Chung và Đặng Vân sang Chàm điếu tang và lập kế đưa Huyền Trân về nước. Tháng 8 năm Hương Long 16, 1308, Huyền Trân về đến Thăng Long. Vua Anh Tông cho bà về lập ấp ở đất Thái Đường - Lưu Xá, thuộc phủ Hương Long (nay là huyện Hương Hà, tỉnh Thái Bình), nơi có lăng mộ các vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông. Tại đây bà dạy dân trồng dâu dệt vải, dạy múa các điệu cung đình Chàm. Khi ngoài 30 tuổi, bà quyết định chia hết điền sản ruộng vườn của mình cho nông nô và giải phóng cho họ, rồi xuống tóc qui y cửa Phật ở chùa Nộn Sơn, xã Hổ Sơn, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định bà qui tiên lúc nào không rõ? Chỉ biết rằng, tại Hưng Hà, nhân dân đã lập đền thờ và tôn bà là Mẫu, hàng năm có cúng tế. Hậu thế xem bà như là người đã khai canh ra vùng đất Thuận Hóa. Hiện ở vùng Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam nhiều nơi vẫn còn lập miếu thờ bà. Trường phổ thông Dân tộc nội trú, Xí nghiệp sản xuất gốm cổ Huế nằm trên đường này.


Một đoạn trên đường Huyền Trân Công Chúa

 

 Bản in]