Phong Điền sẵn sàng trong tâm thế mới
  
Phong Điền là mảnh đất của truyền thống cách mạng, giàu bản sắc văn hóa đang hòa chung niềm hân hoan phấn khởi, bước trên con đường mới - Thị xã Phong Điền. Một sự khởi đầu cho những khát khao mới, phát triển mới, hiện đại hơn; một sức sống mới, một diện mạo mới đang đổi thay từng ngày trên quê hương Phong Điền, một thị xã trẻ với sức mạnh nội sinh, luôn đổi mới sáng tạo, tự tin trên con đường hội nhập và phát triển.
Diện mạo đô thị Phong Điền ngày càng khởi sắc
Diện mạo đô thị Phong Điền ngày càng khởi sắc

Phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có

Theo Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 01/01/2025, huyện Phong Điền sẽ chính thức trở thành thị xã Phong Điền, thuộc thành phố Huế thừ ngày 01/01/2025. Đây là cơ hội và niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phong Điền, qua đó tạo điều kiện để Phong Điền phát huy lợi thế, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Phong Điền có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với điều kiện địa lý thuận lợi, phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; phía Đông Bắc giáp biển Đông; phía Đông Nam giáp huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà; phía Nam giáp huyện A Lưới. Phong Điền là huyện cửa ngõ phía Bắc kết nối tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội duyên hải Bắc Trung bộ, là cửa ngõ thông ra biển Đông trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Ngoài ra, Phong Điền nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch của Quốc gia cao tốc Bắc Nam, tuyến đường ven biển; Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua; nằm trong chuỗi các đô thị Đông Hà - Phong Điền - Hương Trà - Huế - Hương Thủy - Đà Nẵng - Hội An.  Đây còn là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh vật phong phú, vùng đất chứa nhiều trầm tích văn hóa. Với những tiềm năng, lợi thế đó huyện Phong Điền được xác định là một trong những đô thị động lực theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Khu Công nghiệp Phong Điền rộng hơn 700 ha đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ; giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương

“Trong những năm gần đây, Phong Điền đã phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có, cộng với sự đầu tư, nâng cấp hạ tầng, dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cân đối tỷ trọng các ngành nghề. Đến cuối năm 2024, Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát huy vai trò là ngành kinh tế trọng tâm của địa phương chiếm tỷ trọng 60% trong cơ cấu kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm tỷ trọng 20%, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 20%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 75 triệu đồng/người/năm”, ông Bách cho biết thêm.

Mặt khác, nhờ vào việc khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản,  Phong Điền đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, hình thành khu công nghiệp quy mô lớn. Cùng với đó, các ngành dịch vụ cũng phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân của địa phương và các địa bàn lân cận. Khu công nghiệp Phong Điền rộng hơn 700 ha đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải hiện đại, thu hút được 25 dự án giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng hơn 17.000 lao động như: Công ty Scavi Huế hơn 7.000 lao động; Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam hơn 1.500 lao động; Nhà máy Kanlongda hơn 3.000 lao động; Nhà máy Phennika hơn 200 lao động… và hàng ngàn lao động ở các Nhà máy ngoài khu Công nghiệp như xi măng Đồng Lâm, Prenium Silica Huế… Theo Quy hoạch chung đô thị Phong Điền, Khu công nghiệp Phong Điền được định hướng mở rộng lên 1.200 ha cùng với việc hình thành các khu đô thị, khu dân cư mới, góp phần chia sẻ áp lực về mật độ dân số, về sản xuất công nghiệp cho đô thị trung tâm thành phố Huế.

Tập trung phát triển nhanh, bền vững

Phong Điền được xác định có thế mạnh về du lịch trải dài từ vùng núi, đến đồng bằng, vùng đầm phá và ven biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú như Suối khoáng nóng Thanh Tân, làng cổ Phước Tích, thác A Đon, Thượng nguồn Ô Lâu… cùng với hệ thống 07 di tích lịch sử cấp quốc gia và 14 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Trong đó, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc Làng cổ Phước Tích đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét chủ trương nâng cấp thành di tích quốc gia đặc biệt; nước khoáng nóng Thanh Tân hướng tới hình thành Khu du lịch quốc gia theo quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch du lịch quốc gia. Phong Điền cũng là nơi còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng của văn hóa Huế, với nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Đoàn Kỳ Côi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền, cho biết: “Huyện Phong Điền đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khai thác từng phần, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo theo đúng quy hoạch; đối với phát triển kết cấu hạ tầng. Ngoài nguồn lực của huyện và của tỉnh, địa phương cũng đang có định hướng phát huy sức mạnh toàn dân, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thu hút các nhà đầu tư để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất ở ngay tại chỗ trên chính mảnh đất Phong Điền. Ngoài ra, sẽ quan tâm xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao bằng việc đầu tư phát triển giáo dục; sử dụng hợp lý các nguồn lực mà Trung ương, tỉnh hỗ trợ cho địa phương trong việc khai thác lợi thế của Phong Điền. Trong đó, sẽ ưu tiên đặc biệt đối với các nguồn lực để tập trung hình thành ở các khu Công nghiệp, cụm Công nghiệp là hạt nhân để thu hút các nhà đầu tư vào trên địa bàn”.

Cùng với những cơ hội, Phong Điền cũng sẽ đối diện với nhiều thách thức về thu hút nguồn lực; đầu tư kết cấu hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quản lý đô thị, phải đảm bảo vừa khai thác được các tiềm năng, thế mạnh nhưng vẫn giữ được các bản sắc văn hóa, gìn giữ được môi trường; hiện thực hóa được các quy hoạch trong đó có quy hoạch chung của thị xã Phong Điền, quy hoạch thành phố Huế; nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu của một đô thị hiện đại, văn minh; phát huy được những giá trị bản sắc sẵn có của con người của của Phong Điền, biến các giá trị con người, giá trị văn hóa trở thành nguồn nội sinh để thúc đẩy các nguồn ngoại sinh khác.


Công ty may Scavi Huế đã giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 7.000 lao động

“Với vị thế là thị xã cửa ngõ phía Bắc thành phố Huế, Phong Điền cần tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế; giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị, trong đó đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại; thu hút đầu tư các trung tâm thương mại, dịch vụ. Phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, gắn với du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao trên cơ sở khai thác hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan độc đáo và cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, phát triển không gian đô thị, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến công tác an sinh xã hội, phát triển các tiện ích công cộng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí để góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sống của người dân. Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh tạo niềm tin và sức hút đối với các nhà đầu tư, du khách đến làm việc, sinh sống, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”, ông Côi cho biết thêm.

Bức tranh đô thị Phong Điền đang định hình với  khu công nghiệp, khu đô thị, những khu dân cư cùng hệ thống mạng lưới giao thông đang từng bước đồng bộ đã sẵn sàng chuyển mình, sẵn sàng trong một tâm thế mới. Đây cũng là bước khởi đầu cho những khát khao mới, phát triển mới, hiện đại hơn, văn minh hơn và mang đậm nét văn hóa truyền thống.

www.thuathienhue.gov.vn (CTV)
 Bản in]