Nhóm khoáng sản kim loại
  

- Sắt: Quặng sắt ở Thừa Thiên Huế thuộc các kiểu manhetit - hematit và limonit. Quặng sắt manhetit - hematit gặp ở Hoà Mỹ, Phong Xuân, Hương Văn, Đá Đen (quặng thứ sinh nguồn gốc tàn tích) và ở Phúc Gia, Tuần Lương (quặng gốc nhiệt dịch). Hàm lượng sắt đạt 35-65%. Quặng sắt limonit gặp ở Vĩ Dạ Thượng, Thượng Long, A Xiêm. Các thân quặng sulfur chứa sắt phân bố dọc các đứt gãy kiến tạo. Hàm lượng sắt đạt 13 - 35%. Trữ lượng dự báo quặng sắt ở Thừa Thiên Huế khoảng 3 - 4 triệu mét khối và hiện đang được khai thác làm phụ gia xi măng cho các nhà máy trong tỉnh.

- Ti tan: Ti tan ở Thừa Thiên Huế phân bố thành dải không liên tục dọc bờ biển trong trầm tích biển gió hệ tầng Phú Vang. Các điểm Vinh Mỹ, Phú Diên, Vinh Xuân... là nơi giàu sa khoáng ti tan. Hàm lượng khoáng vật tạo quặng trung bình như sau: Inmenit - 48.80kg/m3; rutin - 346kg/m3; zicron - 11,37kg/m3, monezit - 0,45kg/m3. Trữ lượng dự báo sa khoáng ti tan ở Thừa Thiên Huế là 4 triệu tấn và điều kiện khai thác tương đối phức tạp do liên quan đến ổn định mong khai thác và tháo khô.

- Chì kẽm: Quặng chì - kẽm phát hiện được ở sông Bồ, Khe Thai nhưng hàm lượng rất nghèo, ít có triển vọng.

- Arsen: Quặng arsen phát hiện được ở Khe Trăng (Nam Đông) thuộc kiểu quặng thạch anh arsenopyrit, có hàm lượng arsen đạt 5,2%. Ở Bản Gôn hàm lượng arsenopyrit có thể đạt 10-35% nhưng chưa được điều tra chi tiết.

- Quặng gốc thiếc: Được phát hiện ở Khe Thượng, Khe Ly (Hương Trà). Tại Khe Thượng có 4 đới phân bố ở phần rìa phía Đông của khối granit Bến Tuần. Tại Khe Ly có điểm quặng thiếc nằm ở phần thấp mặt cắt các trầm tích sông - lũ hệ tầng Phú Xuân, đã được tìm kiếm đánh giá cho thấy hàm lượng casiterit đạt 230 - 983g/m3. Trữ lượng dự báo tiềm năng đạt 60,17 tấn và trữ lượng khai thác tiềm năng (cấp C2 + P) là 28,02 tấn.

- Quặng wolfram gốc: Phát hiện được ở Khe Trăng. Hàm lượng wolfram ở điểm quặng này đạt 0,16%.

Như vậy quặng gốc thiếc và wolfram ở đây có hàm lượng nghèo. Song sa khoáng thiếc và wolfram rất có giá trị nên cần phải được nghiên cứu và khai thác sử dụng.

- Vàng: Đã phát hiện được 29 vành phân tán, 21 điểm quặng, 4 điểm sa khoáng vàng ở A Lưới và Nam Đông. Các điểm quặng vàng trong đá lục nguyên biến chất hệ tầng Núi Vú là có triển vọng nhất. Trữ lượng dự báo ở điểm quặng vàng Apey khoảng 1,95 tấn.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối