Nguyễn Đỗ Cung
  
Cập nhật:25/12/2024 12:00:00 SA

1. Vị trí con đường

Đường Nguyễn Đỗ Cung nằm trên địa bàn phường Xuân Phú, về phía Nam sông Hương, khởi đầu từ đường Dương Văn An đến đường Nguyễn Lộ Trạch, dài 280m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Theo tộc phả họ Nguyễn Lương lập cư ở đây đã trên 6 đời, đường này hình thành từ năm 1906 đến 1910, thuộc xã Thủy Phú, huyện Hương Thủy. Vốn trước là đường đất rất nhỏ, trồng nhiều tre xanh hai bên. Đến tháng 9/1981, (năm 1983 đổi thành phường Xuân Phú) sát nhập vào thành phố năm 1995 mở rộng thêm và đổ nhựa, thường gọi là kiệt 4 Xuân Phú. Tháng 6/1996, UBND thành phố Huế ra quyết định đặt tên là đường Nguyễn Đỗ Cung.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Nguyễn Đỗ Cung (Nhâm Tý 1912 - Đinh Tỵ 1977) Nguyễn Đỗ Cung là họa sĩ hiện đại xuất sắc, quê ở làng Xuân Tảo, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông thuộc thế hệ họa sĩ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Là họa sĩ sớm nổi danh khi mới ngoài 20 tuổi. Cùng với sáng tác, ông nhiệt thành hoạt động cách mạng, tham gia các tổ chức yêu nước, trải qua các công việc và nhiệm vụ được giao: tham gia BCH Hội Văn hóa Cứu quốc năm 1945, Đại biểu Quốc hội Khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành viên sáng lập của Hội Mỹ thuật Việt Nam 1957, là ủy viên Thường vụ Hội Mỹ thuật, ủy viên BCH Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Mỹ thuật Việt Nam (1962). Với Huế, trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đỗ Cung từng dạy học tại Trường tư thục Thuận Hóa cùng với Tế Hanh, Tôn Thất Đào, Tôn Quang Phiệt, Hoài Thanh. Tên tuổi ông sáng chói trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông là nhà giáo đào tạo nhiều họa sĩ trẻ miền Nam, là cán bộ văn hóa nhiệt thành, vô tư, liêm khiết, đóng góp nhiều cho ngành Mỹ thuật Việt Nam hiện đại là người đặt nền móng cho bộ chính sử Mỹ thuật Việt Nam ra đời. Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã nhận xét: "Trong bão táp của sáng tạo nghệ thuật, trong cái phức tạp và gian khổ của công tác cách mạng, Nguyễn Đỗ Cung là một mũi thép sắc nhọn, một cây thông vút ngọn lên cao. Vô tư, liêm khiết, vì mọi người. Nguyễn Đỗ Cung vẫn giữ được trong tranh và tâm hồn tính dân tộc đó". Ông để lại một số tác phẩm tiêu biểu, trong đó có những bức sơn dầu như: Công nhân cơ khí, Tan ca mời chị em ra thi thợ giỏi, vẫn luôn được công chúng yêu mến bởi bút pháp mộc mạc mà vẫn vững vàng, cùng chất liệu hiện thực nên thơ tạo được từ cái nhìn thưởng ngoạn tràn đầy tâm hồn yêu mến cuộc sống. Ông là một trong rất ít họa sĩ được cử chỉ đạo trình bày trang trí mỹ thuật phần đặt linh cữu trong lăng Hồ Chủ tịch. Do công lao to lớn, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba và nhiều Huân, Huy chương cao quí khác. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về mỹ thuật. Trường Tiểu học Xuân Phú nằm trên đường này.

 Bản in]