(CTTĐT) - Vừa qua, Đoàn kiểm tra giám sát Công an tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã có phiên làm việc với huyện Phú Vang về công tác triển khai, thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Qua hơn 01 năm triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tính đến ngày 15/12/2024, nguồn vốn cho vay đối với NCHXAPT theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg tại Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phú Vang là 920 triệu đồng, trong đó nguồn vốn trung ương là 720 triệu đồng và nguồn vốn địa phương là 200 triệu đồng (ngân sách cấp tỉnh). Dư nợ cho vay đạt 873 triệu đồng với 11 khách hàng còn dư nợ, đạt 95,4% kế hoạch dư nợ được giao. Trong đó dư nợ nguồn vốn trung ương là 673 triệu đồng với 9 khách hàng còn dư nợ, dư nợ nguồn vốn địa phương là 200 triệu đồng với 2 khách hàng còn dư nợ. Doanh số cho vay là 910 triệu đồng; trong đó năm 2023 cho vay 220 triệu đồng (3 khách hàng) và năm 2024 cho vay 690 (8 khách hàng). Đoàn đã đi kiểm tra một số hộ gia đình vay vốn trên địa bàn huyện, kết quả cho thấy tất cả các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có thu nhập đều, hộ vay chấp hành tốt việc trả nợ gốc, lãi hàng tháng.
Đại diện lãnh đạo Công an huyện báo cáo tại phiên làm việc
Việc triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các phòng ban, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai, thực hiện để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, chủ động phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn huyện. Nguồn vốn cho vay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng, góp phần cho người lao động có việc làm ổn định hòa nhập với cuộc sống không mặc cảm, tự ti với xã hội, chính sách đã tạo được sự đồng tình, đánh giá cao từ các cấp Đảng ủy, Chính quyền và nhân dân địa phương, người lao động có ý thức và trách nhiệm cao đối với việc vay vốn như: đầu tư vốn đúng mục đích và sử dụng vốn vay hiệu quả, định kỳ trả tiền lãi, gửi tiền tiết kiệm đúng quy định... Ngoài ra, khi trở về địa phương người lao động đã cố gắng tự tạo thêm việc làm để có thu nhập ổn định cuộc sống.
Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới, để chính sách nhân văn này tiếp tục phát huy hiệu quả, đề nghị PGD NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an huyện, các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị nhận ủy thác và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và triển khai thực hiện tốt quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp người chấp hành xong án phạt tù trở về có cơ hội được vay vốn phát triển kinh tế, sớm ổn định cuộc sống, mang lại hiệu quả tốt trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.