Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
  

(Trích Quyết định số 2491/QĐ – UBND ngày 5/11/2007 của UBND tỉnh)

 

A. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Bưu chính

Phát triển Bưu chính theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích và dịch vụ thương mại. Phổ cập đa dịch vụ đến các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã trong toàn tỉnh, cung cấp các dịch vụ cơ bản đến mọi người dân, thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ thông tin của Nhà nước và chính quyền các cấp.

Đảm bảo an ninh, an toàn thông tin quốc gia và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát huy mọi nguồn lực, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển dịch vụ Bưu chính.

b) Viễn thông

Viễn thông là ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng, được phát triển đi trước một bước và phát triển toàn diện về mạng lưới, công nghệ và dịch vụ; bảo đảm an toàn mạng lưới, kết nối trong tỉnh, liên vùng và cả nước. Đầu tư nâng cấp mạng lưới bưu chính viễn thông có chất lượng cao đảm bảo yêu cầu thông tin liên lạc, vui chơi giải trí của các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động trên địa bàn khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các Khu công nghiệp, Khu du lịch và của toàn xã hội, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hoá và phát triển bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho toàn tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phục vụ hiệu quả và kịp thời cho công tác an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống.

Phát huy mọi nguồn lực để mở rộng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ, phát triển dịch vụ công ích.

2. Mục tiêu phát triển

a) Bưu chính

Xây dựng mạng lưới bưu chính có bán kính phục vụ ngày càng giảm. Ưu tiên cho các tổ chức, doanh nghiệp phát triển các dịch vụ tài chính mới (dịch vụ trả lương, dịch vụ thanh toán, dịch vụ nhờ thu, phát cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ...); dịch vụ cấp gia hạn hộ chiếu, các dịch vụ đại lý cho viễn thông; xây dựng trung tâm thông tin quốc tế tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; phát triển điểm phục vụ tại các khu công nghiệp và khu du lịch của tỉnh. 

- Các chỉ tiêu phát triển cơ bản:

+ Duy trì tốc độ doanh thu bưu chính từ 12% - 20%/năm; tốc độ tăng trưởng đối với bưu phẩm thường từ 3% đến 5%/năm; dịch vụ phát hành báo chí tăng khoảng 9%/năm; các dịch vụ mới, dịch vụ chuyển phát nhanh, tiết kiệm bưu điện tăng trưởng hàng năm trung bình từ 20% đến 30%;

+ Đến năm 2010, có trên 285 điểm phục vụ, mật độ 4.000 người/điểm phục vụ; bán kính phục vụ bình quân của 1 điểm phục vụ dưới 2,2 km; 

+ Đến năm 2015, có trên 535 điểm phục vụ, mật độ 3.621 người/điểm phục vụ; bán kính phục vụ bình quân của 1 điểm phục vụ xuống dưới 1,8 km.

+  Đến năm 2020, có trên 422 điểm phục vụ, mật độ 3.187 nguời/điểm phục vụ; bán kính phục vụ bình quân xuống dưới 1,6 km.

b) Viễn thông

Phát triển mạng viễn thông theo hướng hội nhập với truyền thông. Xây dựng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, dung lượng và tốc độ lớn, độ tin cậy cao. Phát triển viễn thông phục vụ tốt và kịp thời cho phát triển kinh tế-xã hội, công tác an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả cho  công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển và các vùng thường xuyên xảy ra bão lũ. Phát triển các dịch vụ viễn thông phục vụ phát triển kinh tế biển.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          

- Các chỉ tiêu phát triển cơ bản:

+ Duy trì tốc độ tăng trưởng viễn thông toàn tỉnh đạt từ 20-30%/năm;

+ Đến năm 2010, ngầm hóa toàn bộ mạng cáp thành phố Huế và các trung tâm huyện. Đến năm 2015, quang hoá thay thế dần cáp đồng, 100% xã có cáp quang đến trung tâm.

+ Đến năm 2010, mật độ điện thoại toàn tỉnh đạt 44 máy/100 dân trong đó mật độ điện thoại di động là 26 máy/100 dân. Đến năm 2015, mật độ điện thoại toàn tỉnh đạt 69 máy/100 dân, trong đó mật độ điện thoại di động đạt 41 máy/100 dân. Đến năm 2020, mật độ điện thoại toàn tỉnh đạt 88 máy/100 dân, trong đó mật độ điện thoại di động đạt 53 máy/100 dân.

+ Đến năm 2009, toàn bộ thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là thuê bao băng rộng. Đến năm 2015, 100% xã có nút mạng, tiến hành cung cấp đa dịch vụ, tốc độ cao. Đến năm 2010, mật độ thuê bao Internet đạt 11 thuê bao/100 dân. Đến năm 2015, đạt mật độ 16 thuê bao/100 dân. Đến năm 2020, đạt mật độ 18 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ người sử dụng Internet đến 2010 là 30%; đến năm 2015 là 75%; đến năm 2020 là 90%.

B. NỘI DUNG QUY HOẠCH VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG ĐẾN NĂM 2020

1. Định hướng ưu tiên đến năm 2015

1. 1. Bưu chính

a) Mạng bưu chính: Mở rộng phạm vi phục vụ bằng việc mở các điểm đại lý bưu điện, bưu điện văn hoá xã; hạn chế bổ sung các bưu cục. Phát triển thêm 35 điểm đại lý bưu điện tại thành phố Huế, 30 điểm tại huyện Hương Thủy, 30 điểm tại huyện Phú Lộc, 30 điểm tại huyện Phú Vang, 15 điểm tại huyện Phong Điền, 15 điểm tại huyện Hương Trà, 15 điểm tại huyện Quảng Điền, 10 điểm tại huyện A Lưới, 5 điểm tại huyện Nam Đông .

b) Mạng vận chuyển: Kéo dài các tuyến đường thư cấp II, tăng tần suất  lên 2 chuyến/ngày. Nâng cao năng lực mạng vận chuyển trong tỉnh và trong nước, giảm thời gian hành trình, nâng cao chất lượng chuyển phát thư trong nội huyện. Đầu tư phương tiện vận chuyển chuyên ngành đáp ứng nhu cầu vận chuyển bưu chính và chuyển phát thư.        

c) Dịch vụ bưu chính: Phổ cập đa dạng dịch vụ, cung cấp dịch vụ công ích, dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp; rút ngắn thời gian phát báo, công văn xuống xã; mở dịch vụ chuyển tiền, thanh toán, chuyển phát nhanh, bưu kiện toàn mạng bưu cục và tại các điểm bưu điện văn hóa xã.

d) Tự động hóa và ứng dụng công nghệ mới: Bưu cục tự động hoạt động 24/24, bao gồm các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng hoặc tiền mặt. Đầu tư các thiết bị như máy ATM, máy bán ấn phẩm tự động, máy bán tem tự động, máy bán đồ uống…Ứng dụng công nghệ thông tin phát triển mạng tin học bưu chính đến tất cả các bưu cục và điểm phục vụ trên toàn tỉnh; áp dụng công nghệ mới nhằm đổi mới hệ thống quản lý, khai thác, nâng cao năng suất lao động và giảm giá thành.

đ) Phát triển nguồn nhân lực: Đến năm 2010, 30% lao động bưu chính có trình độ đại học và trên đại học; 10% đạt trình độ cao đẳng. Số lượng lao động bưu chính tăng bình quân 2%/năm. Chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ nhân viên giao dịch, khai thác, văn phòng…

e) Phát triển thị trường chuyển phát thư: Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ chuyển phát thư theo lộ trình mở cửa chuyển phát của Việt Nam; đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.


1.2. Viễn thông

Phát triển mạng chú trọng ứng dụng công nghệ, chất lượng, xây dựng mạng theo mô hình mạng thế hệ mới (NGN).

a) Mạng chuyển mạch: Từ năm 2007 thay thế các tổng đài vệ tinh bằng các thiết bị truy nhập đa dịch vụ băng rộng (Multi-service Access). Phát triển thêm 2 tổng đài đa dịch vụ băng rộng đặt tại thành phố Huế.

b) Mạng truyền dẫn: Thực hiện cáp quang hoá toàn tỉnh, dung lượng các tuyến nhánh trên 155Mb/s, dung lượng vòng ring trên 2,5Gb/s.

c) Mạng di động: Đến năm 2008, xây dựng mạng vô tuyến băng rộng công nghệ Wimax. Đến năm 2010, toàn tỉnh xây dựng thêm 238 trạm BTS, đến năm 2015 xây dựng thêm 100 trạm BTS.

d) Mạng ngoại vi: Thực hiện ngầm hóa đến khu vực dân cư, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, khu công nghiệp, khu du lịch... Đẩy nhanh tiến độ ngầm hoá tại thành phố Huế và trung tâm huyện lỵ; thực hiện xây dựng cáp quang xuống xã giai đoạn 2008 - 2012.

đ) Mạng Internet: Triển khai thiết bị truy nhập DSLAM đến trung tâm các huyện, các xã có kinh tế phát triển trong tỉnh.

2. Định hướng đến năm 2020

2.1 Bưu chính

Hoàn thành việc phát triển mạng lưới, phát triển rộng khắp các dịch vụ bưu chính. Mở rộng lĩnh vực cung cấp dịch vụ theo hướng cung cấp ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực. Ứng dụng công nghệ hiện đại để triển khai tự động hóa trong khai thác, tin học hóa các công đoạn bưu chính.

Phát triển kinh doanh từ các dịch vụ mới, dịch vụ lai ghép, dịch vụ tài chính dựa trên mạng bưu chính điện tử, tăng tỷ trọng doanh thu từ các dịch vụ mới, doanh thu dịch vụ bưu chính truyền thống chiếm dưới 20% tổng doanh thu bưu chính.

Phát triển thị trường chuyển phát theo hướng mở cửa, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, thống nhất và nâng cao vai trò quản lý nhà nước.

2.2 Viễn thông

Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy, có độ bao phủ rộng khắp. Phát triển mạnh mạng thế hệ sau (NGN) nhằm cung cấp đa dịch vụ trên một hạ tầng thống nhất. Đẩy mạnh phát triển mạng truy nhập băng rộng để bảo đảm phát triển các ứng dụng trên mạng như: chính phủ điện tử, thương mại điện tử, đào tạo, khám chữa bệnh từ xa và các ứng dụng khác. Các mạng viễn thông di động phát triển tiến tới hệ thống thông tin di động hệ thống thứ 3 (3G) và các thế hệ tiếp sau. Phát triển các dịch vụ phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ phát thanh, truyền hình, công nghệ thông tin và viễn thông, đáp ứng kịp thời nhu cầu trao đổi thông tin của toàn xã hội. Mức độ sử dụng các dịch vụ viễn thông đạt mức của các nước công nghiệp phát triển. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ viễn thông nông thôn ngang bằng với thành thị.

Xây dựng mạng chuyển mạch đa dịch vụ tốc độ cao với công nghệ chuyển mạch theo giao thức IP và ATM. Xây dựng hạ tầng viễn thông theo hướng cùng đầu tư và chia sẻ hạ tầng, cho phép nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

C. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Bưu chính

a) Giải pháp phát triển thị trường

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường chuyển phát; mở rộng đại lý bưu điện. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng để tiết kiệm chi phí đầu tư và hạ giá cước dịch vụ.

b) Giải pháp cung cấp dịch vụ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước

Đảm bảo thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ bưu chính, các dịch vụ đặc biệt có liên quan tới bảo mật thông tin và an toàn mạng lưới cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn.

c) Giải pháp huy động vốn đầu tư

 Huy động các nguồn vốn, thực hiện xã hội hoá và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển bưu chính. Tận dụng vốn ngân sách Nhà nước để phát triển các thư viện tại các điểm Bưu Điện văn hoá xã.

d) Giải pháp bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ Bưu chính

- Thực hiện giám sát các doanh nghiệp thực hiện việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ theo các quy định tại pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và các quy định hiện hành khác.

- Tăng cường quản lý nhà nước trên cơ sở giám sát chất lượng dịch vụ bưu chính theo các quy định hiện hành.

đ) Một số giải pháp khác

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức người dân nhằm xây dựng, bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng Bưu chính Viễn thông.

- Sử dụng các thiết bị Bưu chính hiện đại như các thiết bị bán hàng tự động, trang bị hệ thống phầm mềm quản lý các dịch vụ Bưu chính.

2. Viễn thông

a) Phát triển thị trường

Thúc đẩy các hình thức bán lại dịch vụ viễn thông và Internet. Khuyến khích thành lập Hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Viễn thông trên địa bàn tỉnh và các hình thức khuyến mại cho người sử dụng dịch vụ Viễn thông trên địa bàn tỉnh theo các quy định của pháp luật.

b) Cung cấp dịch vụ Viễn thông cho cơ quan Đảng, Nhà nước

Xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp các dịch vụ công; tổ chức công tác thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, phục vụ quốc phòng, an ninh, thông tin phòng chống thiên tai qua mạng Chính phủ điện tử.

c) Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Viễn thông trên địa bàn tỉnh

- Khuyến khích áp dụng sử dụng chung cơ sở hạ tầng như cùng đầu tư xây dựng các hệ thống chuyển mạch, truyền dẫn và chia sẻ dung lượng theo tỷ lệ đầu tư, thuê cáp, thuê cột ănten, nhượng quyền sử dụng các hệ thống viễn thông...

- Thực hiện cơ chế phân tách mạch vòng nội hạt (local loop unbundling) để thúc đẩy phát triển dịch vụ XDSL và dịch vụ điện thoại cố định.

d) Giải pháp ngầm hóa

Tổ chức triển khai việc ngầm hóa trên địa bàn tỉnh; công khai sơ đồ cấu trúc mạng ngoại vi, công khai quy hoạch về mạng ngoại vi, các doanh nghiệp viễn thông có kế hoạch xây dựng mạng ngoại vi đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh.

đ) Huy động vốn đầu tư

- Tận dụng hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển viễn thông.

- Thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực, tăng cường huy động các nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nuớc, FDI và nguồn vốn ODA, NGO nhằm mục đích hoàn thiện và hiện đại hoá mạng viễn thông.

- Khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông hoạt động tại địa phương đã cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước.

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thực hiện đầu tư theo công nghệ mới, đổi mới doanh nghiệp, điều chỉnh cơ cấu sản xuất để hoạt động có hiệu quả, tăng nhanh khả năng tích lũy bằng nguồn vốn nội sinh, tái đầu tư cho phát triển.

e) Phát triển nguồn nhân lực

Coi trọng đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành, đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia giỏi để đáp ứng nhu cầu phát triển viễn thông trong tỉnh và hội nhập kinh tế quốc tế.

g) Một số giải pháp khác

- Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho chính quyền, doanh nghiệp, người dân về viễn thông.

- Tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

- Tăng cường quản lý nhà nước trên cơ sở giám sát chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông theo các quy định hiện hành.

D. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

Nhu cầu vốn đầu tư: 1.420 tỷ đồng.

Trong đó:         

- Đầu tư cho lĩnh vực Bưu chính: 4 tỷ đồng.

- Đầu tư cho lĩnh vực Viễn thông: 1.416 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn:

- Vốn ngân sách: 5,8 tỷ đồng.

- Vốn doanh nghiệp và các vốn hợp pháp khác: 1.414,2 tỷ đồng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Bưu chính Viễn thông

- Có trách nhiệm triển khai, công bố quy hoạch, theo dõi, đôn đốc thực hiện quy hoạch; tổ chức đánh giá định kỳ việc thực hiện quy hoạch và chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh đề xuất điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp cần thiết.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng Quy chế quản lý bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh.

- Báo cáo và phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc theo dõi và chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện quy hoạch. Đề xuất và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tiêu chí xác định dịch vụ viễn thông công ích trên địa bàn tỉnh và xây dựng kế hoạch sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích phát triển và phổ cập dịch vụ viễn thông công ích.

- Phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính viễn thông triển khai thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng mạng bưu chính viễn thông.

- Phối hợp với Công an tỉnh đảm bảo an ninh trong sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông.

2. Các Sở, ngành, UBND các huyện và thành phố Huế

Theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phối hợp với sở Bưu chính Viễn thông triển khai thực hiện Quy hoạch.

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối