Tổng kết kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh
  
Cập nhật:31/12/2024 8:44:31 SA
(CTTĐT) - Chiều 30/12, Thư viện Tổng hợp tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các làng xã, họ tộc trên địa bàn tỉnh.
Trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm
Trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm

Di sản Hán Nôm được hình thành và lưu giữ trên vùng đất Thừa Thiên Huế, là nguồn di sản đặc trưng của mảnh đất Cố đô, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, phương pháp bảo quản chưa đúng cách và thời tiết khắc nghiệt… loại tài liệu quý giá này đang đứng trước nguy cơ mất mát, hư hỏng nghiêm trọng. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của nguồn di sản này là hết sức cần thiết.

Qua công tác điền dã, khảo sát, đơn vị nhận thấy vẫn còn nhiều tư liệu Hán - Nôm và nằm rải rác trong các gia đình, dòng họ, đình thờ, cơ sở tôn giáo... và được người dân hết sức coi trọng, xem đó như là bảo vật tinh thần linh thiêng, được bảo quản, thờ phụng tôn nghiêm, cẩn trọng. Ngoài một số thất lạc, hư hỏng do chiến tranh, thiên tai, đã có không ít tư liệu Hán - Nôm quý bị mối mọt, hủy hoại đáng tiếc vì không có điều kiện và phương pháp bảo quản không đúng cách. Trước tình hình đó, đơn vị đã tham mưu cho các cơ quan cấp trên ban hành Kế hoạch thực hiện, ngày 21/2/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 - 2024”.

Theo lãnh đạo Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, tính chung giai đoạn 2020-2024, đơn vị này đã thực hiện khảo sát, số hóa được 130.845 trang, tương ứng 2.866 đầu tư liệu. Nâng tổng số trang tư liệu Hán - Nôm thực hiện số hóa từ năm 2009 đến nay là hơn 452.108 trang tương ứng với 5.971 đầu tư liệu. Công tác số hóa này được thực hiện ở 222 làng, 1.058 họ tộc và 22 phủ đệ, 4 tư gia. Hầu hết tư liệu được số hóa đều là văn bản gốc và đa dạng với nhiều chất liệu, loại hình tài liệu khác nhau với nội dung phong phú, có giá trị ở nhiều lĩnh vực như: văn bản học, lịch sử - văn hóa, phong tục, tập quán…

Cùng với việc số hóa tư liệu Hán – Nôm, nhiều năm qua Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn tổ chức tập huấn phương pháp bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu... cho hàng trăm học viên là chủ sở hữu đến từ các huyện, thị xã và TP. Huế.

Ngoài ra, để phát huy nguồn tư liệu quý này, đơn vị còn tổ chức xử lý, biên mục tài liệu quản lý trên phần mềm, tổ chức hoạt động trưng bày, triển lãm sau khi phục chế… Song song với đó đã chọn tài liệu có giá trị, biên dịch và xuất bản các ấn phẩm. Có thể kể đến các ấn phẩm như: “Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, “Văn thư - Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, “Hương ước các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế”…

Trao tư liệu sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm cho các địa phương

Trong đó có thể kể đến việc tài liệu Hán – Nôm như sắc, chế, chiếu, dụ, gia phả, các loại văn bản hành chính… lưu giữ tại các dòng họ, tư gia, phủ đệ bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc xác định những thông tin cơ bản về tài liệu, nhiều tài liệu hư hỏng nặng không thể phục hồi.

Quá trình thực hiện, sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị di sản tư liệu Hán - Nôm đã bổ sung được một số lượng rất lớn tài liệu Hán - Nôm quý, đây là nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế… của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời dưới sự phối hợp với các đơn vị liên quan, các chủ sở hữu tư liệu Hán - Nôm trong quá trình thực hiện Kế hoạch đã tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, giá trị của nguồn tư liệu Hán - Nôm, tạo ra hiệu ứng về mặt xã hội, nâng cao ý thức giữ gìn di sản Hán - Nôm của người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dịp này, UBND tỉnh và Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã tặng bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024.(ảnh dưới)

w.w.w.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]