Add Content...

Lâm Mộng Quang
  

1. Vị trí con đường

Đường Lâm Mộng Quang nằm trên địa bàn phường Đông Ba, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Ông ích Khiêm (sát phía trong cửa Thượng Tứ), chạy qua trước mặt Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đến đường Tống Duy Tân (tiếp giáp khuôn viên di tích Viện Cơ mật - nay là Văn phòng Trung tâm Bảo tàng Di tích Cố đô Huế), dài 300m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường  

Đường này hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Đường chạy quanh công viên Thượng Tứ và duy nhất chỉ có một nhà ở. Tháng 6/1999, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên là đường Lâm Mộng Quang.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Lâm Mộng Quang (Đinh Mùi 1907 - Đinh Hợi 1947). Lâm Mộng Quang là liệt sĩ cách mạng, tên thật là Lâm Kiến, quê ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Xuất thân trong một gia đình Nho học bậc trung, có truyền thống yêu nước. Thuở nhỏ ông học ở quê, sau theo người anh là nhà giáo Lâm Toại ra Quảng Điền học trường Niêm Phò, năm 1926 ông lại theo người anh chuyển vào Huế, học hết tiểu học. Năm 1927, ông tham gia bãi khóa phản đối giáo sư người Pháp xúc phạm học sinh người Việt. Năm 1930, ông vào làm công nhân hỏa xa, năm 1933 làm Trưởng ga Cầu Hai, huyện Phú Lộc. Ông đã tham gia các cuộc đấu tranh của công nhân đường sắt và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó cho đến 1938, ông tích cực hoạt động, bí mật tuyên truyền vận động cách mạng. Ông tham gia viết báo Nhành lúa, Dân, rồi bị thực dân bắt, bị quản thúc tại huyện Quảng Điền. Cách mạng tháng Tám, ông làm Phó chủ tịch Việt Minh huyện Hương Trà. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông được cử làm ủy viên Thư ký Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên, phụ trách công tác tư pháp, tài chính. Năm 1946, ông được giao nhiệm vụ phụ trách lực lượng dân quân tỉnh. Tháng 2/1947 ông tham gia BCH Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tháng 3/1947 trong Hội nghị kháng chiến tỉnh tại Sịa, ông và các đồng chí bị địch bao vây và bị bắt. Khi bị bắt, ông bị bọn việt gian chỉ điểm, nên quân Pháp liền xử bắn ngay tại ấp La Hà, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền. Trước họng súng quân thù, ông hô vang những khẩu hiệu cách mạng và mỉm cười tin tưởng vào ngày thắng lợi. Ông hy sinh khi vừa tròn 40 tuổi. Ông là bạn học thời nhỏ với Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Húng. Ông từng cùng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn viết bài bút chiến với Phan Khôi về quan điểm nghệ thuật. Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (trường nam Tiểu học Thành Nội cũ), Chùa Thành Nội nằm trên đường này.

 Bản in]