Nguyễn Bỉnh Khiêm
  

1. Vị trí con đường

Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc phường Gia Hội, về phía Đông Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Chi Lăng, chạy qua ngã ba Mạc Đỉnh Chi đến đường Nguyễn Chí Thanh, dài 411m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành vào thế kỷ 19, cùng thời gian với đường Chi Lăng, đến năm 1908 được sát nhập vào thành phố. Trước 1945 là đường Angleterre (Rue d’ Angleterre - đường mang tên Vương quốc Anh Cát Lợi). Trước năm 1959 là đường Đò Cồn. Sau năm 1960, đặt lại tên là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dân gian vẫn gọi là đường Đò Cồn.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tân Hợi 1491 - ất Dậu 1585). Nguyễn Bỉnh Khiêm, danh nhân văn hóa đời nhà Mạc, còn có tên Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân cư sĩ. Quê làng Trung Am, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Xuất thân từ gia đình có học vấn văn hóa cao. Năm 1535 ông đỗ Trạng nguyên. Làm quan đến Tả Thị lang Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ, và chỉ làm quan trong 8 năm thì xin về quê trí sĩ, dựng nhà ở làng gọi là Bạch Vân Am. Ông mở trường dạy học bên cạnh sông Hàn, sông ấy còn có tên Tuyết Giang, vì thế học trò tôn xưng ông là Tuyết Giang Phu Tử. Ông là người chịu khó học hành, ngay cả lúc đỗ Trạng nguyên ông vẫn thường tự học. Ông được thầy truyền cho quyển Thái ất thần kinh - một pho cổ thư bí hiểm, nên ông rất tinh thông Lý số dịch học. Là người đã cáo quan, song vua Mạc vẫn kính trọng, phong ông là Trình Quốc Công, hàm Thượng thư Bộ Lại. Do vậy mà đời gọi ông là Trạng Trình. Khi về ở ẩn, thấy xã hội loạn lạc suy đồi, ông cùng dân làng Trung Am dựng nên ngôi nhà gọi là "Trung Tân quán", mong cứu giúp người nghèo khổ, khuyên nhủ kẻ giàu sang phải biết điều nhân nghĩa, sống có tình thương. Ông mất năm 94 tuổi. Tác phẩm để lại là bộ Bạch Vân thi tập (cả chữ Hán và chữ Nôm đến 200 bài), ngoài ra còn rất nhiều bài văn bài thơ ngẫu hứng tặng bạn hữu, và những nhận xét quyết đoán chiến lược, liên quan đến sự nghiệp cơ đồ của kẻ cầm quân mà đời thường gọi là "Câu sấm Trạng Trình". Tương truyền ông là người đã ngầm ý khuyên Nguyễn Hoàng nên vào lập nghiệp phía nam đèo Ngang (Hoành Sơn) mưu đồ đại cuộc ngàn năm. Nhà hàng Bà Đỏ chuyên bán các thứ bánh truyền thống có tiếng của Huế nằm trên đường này.

 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ

Thư viện ảnh