Nguyễn Du
  

1. Vị trí con đường

Đường Nguyễn Du nằm trên địa bàn phường Gia Hội, về phía Đông Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Chi Lăng đến đường Nguyễn Chí Thanh, dài 430m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành vào giữa thế kỷ 19, cùng thời với việc hoàng tử con vua Minh Mạng được phong đất ra đây lập phủ, đến năm 1908 sát nhập vào thành phố. Nguyên ủy đường này được người xưa gọi là đường Ngự Viên.Thời Pháp thuộc là đường Tự Đức (Rue Tu Duc). Sau năm 1949, đổi lại là đường Ngự Viên (tên chính thức trên bản đồ). Từ năm 1960, đặt tên lại là đường Nguyễn Du cho đến ngày nay. Dân gian thường gọi là đường Dinh Ông (ở cuối đường này giáp bờ sông Hương, xưa có chợ Dinh Ông, lại có đò ngang Cồn Hến cũng gọi là đò Chợ Dinh. Theo cụ Tố Am Nguyễn Toại, sở dĩ gọi như vậy là vì ở đây gần phủ ông Thọ Xuân, hoàng tử em vua Thiệu Trị. Một số ý kiến khác thì cho là dinh phủ của quan phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành).

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Nguyễn Du (Ất Dậu 1766 - Canh Thìn 1820): Đại thi hào dân tộc, tự là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn hiệp hộ, xuất thân trong một gia đình quan lại khoa bảng nổi tiếng Bắc Hà, quê gốc ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ là Nguyễn Nghiễm làm quan tới chức Tể tướng triều Lê Trung Hưng, mẹ là Trần Thị Tần, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, nên ông sinh ra tại phường Bích Câu, Thăng Long, có nhiều năm sống tại quê mẹ ở Kinh Bắc. Năm lên 10 tuổi thì mồ côi cha, năm 12 tuổi mồ côi mẹ, ông phải sống nhờ người anh khác mẹ, rồi nương tựa nhờ người anh vợ ở Thái Bình, nhưng ông vẫn kiên trì quyết chí học tập, rèn luyện tài năng. Năm 1783, Nguyễn Du đi thi chỉ đậu Tam trường (Tú tài) nhưng rồi đã bỏ thi tiếp vì gia biến và thời cuộc lúc bấy giờ. Từ năm 1802, ông được triều đình Huế mời làm Tri huyện Phù Dung (sau là Phù Cừ, tỉnh Hải Dương), ít lâu sau thăng Tri phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Năm 1803 ông được cử cùng nhiều vị quan khác đi nghênh tiếp sứ nhà Thanh ở Nam Quan. Năm 1805, ông được điều vào Kinh giữ chức Đông Các học sĩ và được phong tước Du Đức Hầu. Năm 1809, ông giữ chức Cai bạ tỉnh Quảng Bình. Năm 1813, được thăng Cần chánh điện Học sĩ, sung làm Chánh sứ sang cống nhà Thanh. Khi về, ông được thăng Hữu Tham tri Bộ Lễ. Năm 1820, ông lại được cử đi sứ Trung Quốc nhưng chưa kịp đi thì bị bệnh mất tại Huế, ở tuổi 55 mộ nguyên táng tại làng An Ninh, huyện Hương Trà (gần phía sau chùa Thiên Mụ), năm 1824 mới được cải táng đưa về quê nhà ở làng Tiên Điền. Ông để lại các tác phẩm chính như: Truyện Kiều (bằng chữ Nôm), Nam Trung tạp ngâm, Thanh Hiên tiền hậu thi tập (bằng chữ Hán), Bắc hành tạp lục (chữ Hán), Văn tế thập loại chúng sinh. Tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng đã đưa thi hào Nguyễn Du lên hàng cao nhất trong mọi thời đại của nền văn học Việt Nam. Có nhiều tài liệu cho rằng, Truyện Kiều cũng như một số tác phẩm khác được Nguyễn Du sáng tác và ấn hành chủ yếu ở Huế. Phủ từ Hoài Đức Quận Vương (con trai thứ 57 của vua Minh Mạng), Di tích Mai Viên của nhà soạn tuồng Đào Tấn, Nghi Quốc Công từ (nhà thờ nhạc phụ của vua Khải Định) Trường THCS Nguyễn Du, Nhà thờ Tin lành nằm trên đường này.

 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ

Thư viện ảnh