Phạm Đình Hổ
  

1. Vị trí con đường

Đường Phạm Đình Hổ nằm trên địa bàn phường Thuận Lộc, thuộc khu vực Tây Linh, Thành Nội, khởi đầu từ đường Lê Trung Đình, qua ngã tư đường Thái Phiên, Trần Xuân Soạn đến đường Tôn Thất Thuyết, dài 1082m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Nguyên là xứ ruộng thấp, sau năm 1960 san lấp xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Từ năm 1976 trở về trước là đường Danh Dệt. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Phạm Đình Hổ.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Phạm Đình Hổ (Mậu Tý 1768 - Kỷ Hợi 1839): danh sĩ đời Minh Mạng, tự là Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu là Đông Dã Triều, thường gọi là Chiêu Hổ, quê ở xã Đan Loan, huyện Đường Hào, nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nhưng sống ở phường Hà Khẩu, thành Thăng Long xưa. Ông đọc rộng biết nhiều, nhưng thi lại không đỗ, gặp thời loạn nên muốn ở ẩn. Triều Minh Mạng, năm 1821 vua cho triệu ông vào Kinh, bổ làm Hành tẩu Viện Hàn lâm và Tế tửu Quốc Tử giám, năm sau mắc bệnh ông xin nghỉ việc. Thời gian lành bệnh, ông lại được bổ chức cũ, rồi thăng Thị Giảng học sĩ. Năm 1832, ông từ quan nghỉ luôn cho đến cuối đời. Ông mất năm 1839, thọ 71 tuổi. Tương truyền, ông và Hồ Xuân Hương rất quí mến tài của nhau và hay làm thơ trêu đùa bỡn cợt đối đáp lẫn nhau, nhiều giai thoại còn truyền tụng đến ngày nay. Ông tuy không đỗ cao nhưng kiến thức sâu rộng, ông viết nhiều loại sách: Pháp chế, lịch sử, địa lý, văn học. Ông để lại khá nhiều tác phẩm: Lê triều hội điển, Bang giao điển lệ, An Nam chí, Càn Khôn nhất lãm, Ai Lao sứ trình, Đạt Man quốc địa đồ (tức Chân Lạp địa đồ), Hy kinh trắc lão, Nhật dụng thường đàm, Vũ trung tuỳ bút, Tang thương ngẫu lục (hợp soạn với Nguyễn án), Quốc sử tiểu học, Hành tại diện đối, Quốc thư tham khảo, Châu Phong tạp kho, Châu Phong thi tập. Ông là nhà văn, nhà nghiên cứu sử đồng thời là nhà văn hóa tiêu biểu của nước ta ở đầu thế kỷ XIX.

 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ

Thư viện ảnh