1. Vị trí con đường
Đường Phan Huy Chú nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Thái Phiên đến đường Thánh Gióng, dài 198m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Nguyên là xứ ruộng thấp, năm 1960 san lấp lấy đất xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Trước năm 1976 là đường Nguyễn Tung (có bản đồ ghi Nguyễn Tùng). Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Phan Huy Chú.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Phan Huy Chú (Nhâm Dần 1782 - Canh Tý 1840) là danh sĩ triều Nguyễn, trước có tên Hạo, sau kiêng quốc húy nên đổi thành Chú, tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong. Xuất thân trong một gia đình đại khoa bảng, nhiều đời làm quan nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn. Quê gốc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đời nội tổ định cư ở làng Thầy (Sài Sơn), Hà Tây. Ông là người thông minh, học giỏi, đi thi đỗ hai khoa Tú tài 1807 và 1819 nên có danh là Kép Tú. Nhưng đi thi Hội lại không đỗ tiến sĩ, song triều đình thấy ông xuất sắc nên bổ làm Biên tu ở Viện Hàn lâm. Năm 1824, ông được cử làm Phó sứ đi Trung Quốc. Năm 1828, ông được bổ làm Phủ thừa Thừa Thiên, sau thăng Hiệp trấn Quảng Nam. Năm 1830, ông làm Phó sứ đi Trung Quốc, khi về thì bị cách chức, cuối năm ấy ông theo đoàn ngoại giao qua Inđônêxia, năm 1833 về nước được dùng lại, bổ vào làm Tư vụ Bộ Công. Một thời gian, ông cáo bệnh xin về hưu, mở trường dạy học ở Hà Tây. Ông mất năm 1840, hưởng dương 58 tuổi. Ông để lại các tác phẩm chính: Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt dư địa chí, Mai Phong du Tây thành dã lục, Hoa triều thiều ngâm lục (tập thơ làm khi đi sứ Trung Quốc), Hải trình chí lược, Hoa trình tục ngâm, Lịch đại điển yếu thông luận, Dương trình ký kiến (ghi chép khi đi Inđônêxia). Riêng bộ Lịch triều hiến chương loại chí là một công trình bách khoa có giá trị to lớn đủ nâng ông lên thành nhà bác học của nước ta thế kỷ XIX.