Viện Cơ Mật - Tam Tòa
  
Viện Cơ Mật - Tam Tòa
Viện Cơ Mật - Tam Tòa

Địa chỉ: Số 23 Tống Duy Tân, thuộc phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vị trí Viện Cơ Mật - Tam Tòa hiện nay vốn trước đây là thủ phủ Phú Xuân được chúa Nguyễn Phúc Khoát xây dựng năm 1738, đến năm 1754 được gọi là Đô Thành Phú Xuân - là trung tâm văn hóa chính trị xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn cho đến năm 1775. Sau đó bị quân Trịnh chiếm đóng (1775-1786), rồi trở thành kinh đô của triều đại Tây Sơn (1786-1801).

Năm 1802, Vua Gia Long lên ngôi, thủ phủ Phú Xuân bị triệt giải, vị trí này được dùng để xây chỗ ở cho Hoàng tử Đảm (sau này trở thành Vua Minh Mạng). Năm 1816, khi hoàng tử Đảm được phong Hoàng thái tử và chuyển về nơi ở mới ở phía đông kinh thành, nơi đây trở thành nơi ở của Hoàng tử Nguyễn Phúc Chẩn (em Vua Minh Mạng), và về sau trở thành nơi ở của Nguyễn Phúc Thiện Khuê - con trai trưởng của Nguyễn Phúc Chẩn. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), khu đất này được lấy lại để xây chùa Giác Hoàng - ngôi chùa được Vua Thiệu Trị xếp vào một trong 20 thắng cảnh của đất thần kinh thời bấy giờ.

Sau khi Việt Nam mất hẳn chủ quyền vào tay thực dân Pháp, toàn bộ kiến trúc của chùa Giác Hoàng bị thực dân Pháp cho triệt giải để xây dựng Viện Cơ Mật (hoàn thành năm 1903) – nơi bàn chính sự giữa thực dân Pháp và triều Nguyễn. Toàn bộ kiến trúc của Viện Cơ Mật mô phỏng phong cách kiến trúc Tây Âu, quy mô gồm nhà chính 2 tầng, 3 gian hai chái. Tầng trên có ba chữ “Cơ Mật Viện” viết theo lối chữ triện trong ô tròn ở mặt trước, mở 5 cửa nguyệt môn. Tầng dưới, mặt trước mở 7 cửa nguyệt môn, ngoài thêm có 3 bình phong, hai bên mở 6 cửa nguyệt môn. Hai nhà bên đều 15 gian, hai chái. Chung quanh Viện có vòng tường gạch bao bọc, ba mặt trái, phải, trước mở ba cửa.

Từ đó đến nay, di tích này có chút ít thay đổi về mặt kiến trúc và chức năng cũng khác.

Từ năm 1955 đến năm 1975, dưới chế độ cũ, hai dãy nhà hai bên trở thành văn phòng của các cơ quan tư pháp địa phương (tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế), còn tòa nhà chính (tức Viện Cơ Mật) được dùng làm nơi xét xử các vụ án từ sơ thẩm đến thượng thẩm. Từ năm 1975 đến 1976, Ủy ban Quân quản Trị Thiên Huế đóng và làm việc tại khu vực này. Từ năm 1976 đến năm 1989, Tam Tòa trở thành trụ sở của Tỉnh ủy tỉnh Bình Trị Thiên, rồi Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế (1989 - 2000). Tháng 10/2000 đến nay, Tam Tòa được chuyển giao cho Trung tâm BTDTCĐ Huế quản lý.

Di tích Cơ Mật Viện – Tam Tòa đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 99/2004/QĐ-BVHTT, ngày 15/12/2004 của Bộ Văn hóa Thông tin.

Ghi chú: Theo Nghị quyết 175/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Quốc Hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương ; Theo Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025. Từ 1/1/2025 địa Số 23 Tống Duy Tân, phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên thành Số 23 Tống Duy Tân, phường Đông Ba, quận Phú Xuân, thành phố Huế.

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối