Add Content...

Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2011 – 2015 của tỉnh Thừa Thiên Huế
  

(Theo kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 19/02/2011)

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1.  Mục tiêu tổng quát

- Thương mại điện tử được ứng dụng trong tất cả các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.

- Tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận với môi trường kinh doanh hiện đại, phát triển văn minh thương mại, góp phần thực hiện mục tiêu chung phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa để sớm đưa Tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

2.  Mục tiêu cụ thể

Căn cứ theo mục tiêu phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015 tại Quyết định số 1073/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ tình hình thực tế ứng dụng TMĐT trong giai đoạn 2006-2010, mục tiêu phát triển thương mại điện tử của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 được thống nhất như sau:   

a) Đảm bảo 100% cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích của thương mại điện tử.

b) Đảm bảo 60% doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp với doanh nghiệp, trong đó:

- 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin

- 60% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp

- 30% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

- 10% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh.

c) Bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng:

- 50% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng

- 20% cơ sở kinh doanh phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng

- 30% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua kênh giao dịch điện tử.

d) Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh: cung cấp dịch vụ trực tuyến từ mức 3 trở lên các thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ khai báo hải quan điện tử, khai nộp thuế...

III. CÁC NỘI DUNG TRIỂN KHAI

Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 gồm những nội dung cơ bản sau:

1. Triển khai pháp luật về thương mại điện tử

a) Mục đích: Triển khai chính sách và thực thi pháp luật về thương mại điện tử tại địa phương nhằm kịp thời phản ánh những vướng mắc khó khăn cũng như các quy định chưa hợp lý lên các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

b) Nội dung:

- Thanh tra, kiểm tra các đơn vị xây dựng website có các ứng dụng về  TMĐT đảm bảo đúng pháp luật về giao dịch trực tuyến đồng thời nắm vững tình hình phát triển thương mại điện tử trên địa bàn.

- Thẩm định, đánh giá tiêu chuẩn để cấp chứng nhận Nhãn website có các ứng dụng về TMĐT đảm bảo uy tín để tạo lòng tin với khách hàng khi giao dịch.

2. Phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử

a) Mục đích: nhằm phổ biến rộng rãi khắp các đối tượng doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, cán bộ nhà nước trên địa bàn tỉnh, đến năm 2015, bảo đảm đạt 100% các doanh nghiệp, cơ sở, cán bộ nhà nước từ cấp xã, huyện đến thành phố đều hiểu biết về thương mại điện tử.

b) Nội dung:

- Xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức liên quan đến Thương mại điện tử, các văn bản pháp luật về TMĐT, dịch vụ công trực tuyến, chứng thực chữ ký số, các thủ tục hải quan điện tử, thuế điện tử&hellip cho các cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp tại địa phương.   

- Xây dựng chuyên mục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin phát sóng lên Đài Truyền hình tỉnh định kỳ hàng tháng.

- Xây dựng Ấn phẩm Thương mại điện tử - Xúc tiến thương mại phát hành định kỳ hàng quý.

3. Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh

a) Mục đích:  giảm chi phí, thời gian và giải quyết các thủ tục nhanh cho doanh nghiệp tạo môi trường giao dịch qua mạng, đẩy mạnh loại hình giao dịch thương mại điện tử giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân (G2B hoặc G2C).

b) Nội dung:

- Dự án Sàn giao dịch và quảng bá thương hiệu.

- Dự án triển khai Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Dự án triển khai chữ ký số và chứng thực chữ ký số trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

- Dự án nâng cấp Website của Sở Công Thương.

- Phối hợp xây dựng Sàn giao dịch thương mại điện tử Bắc Miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Cung cấp dịch vụ trực tuyến từ mức 3 trở lên các thủ tục đăng ký kinh doanh

- Dịch vụ khai báo hải quan điện tử, cấp chứng nhận xuất xứ điện tử, khai nộp thuế...

4. Phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ Thương mại điện tử

a) Mục đích: Thông qua các công cụ, phương tiện điện tử để giúp cho quá trình giao dịch thuận tiện, giảm thiểu chi phí quản lý.

b) Nội dung: 

- Chương trình phần mềm quản lý hóa đơn và dịch vụ khách hàng.

- Chương trình giao dịch, thanh toán điện tử và dịch vụ viễn thông- CNTT

- Dự án Chợ ảo công nghệ thiết bị.

- Chương trình triển khai ứng dụng GIS trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh

a) Mục đích: xây dựng lực lượng cán bộ có chuyên môn đáp ứng công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệp nâng cao năng lực quản lý.

b) Nội dung:

- Chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách TMĐT.

- Tham quan, học tập kinh nghiệm các địa phương có các ứng dụng TMĐT tiên tiến.

6. Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử

a) Mục đích: để ứng dụng TMĐT một cách bài bản, hiệu quả, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa hoạt động quản lý nội bộ thông qua các công cụ e-business như quản lý quan hệ khách hàng (CRM), hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Sở Công Thương cần phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng, tích hợp các hệ thống này một cách có hiệu quả nhằm nâng cao năng lực quản lý nội bộ doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

b) Nội dung:

- Chương trình hỗ trợ xây dựng website doanh nghiệp.

- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử thông qua các công cụ kinh doanh điện tử (e-business).

- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gán nhãn website uy tín TrustVN

- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu cài đặt hệ thống thông quan điện tử.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí: các chương trình, dự án được thực hiện từ Ngân sách nhà nước Trung ương và Địa phương doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.          

2. Kinh phí:

STT

Danh mục

Kinh phí thực hiện

 (ĐVT: Đồng)

I

Triển khai pháp luật về thương mại điện tử

30.000.000

II

Phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử

420.000.000

III

Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh

2.000.000.000

IV

Phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ Thương mại điện tử.

1.220.800.000

V

Củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

130.000.000

VI

Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử.  

1.100.000.000


Tổng cộng

4.900.800.000

(Bằng chữ: Bốn tỷ, chín trăm triệu, tám trăm nghìn đồng)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương:

- Sở Công Thương là đầu mối chủ trì thực hiện kế hoạch, có trách nhiệm triển khai, phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban ngành, Doanh nghiệp có liên quan của tỉnh, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử, bám sát thực tế tình hình ứng dụng TMĐT và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử nhằm đạt mục tiêu đề ra.

- Phối hợp với các Sở, Ban ngành tổ chức, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch tổng hợp tình hình thực hiện, đề xuất các giải pháp cần thiết trình Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương kết quả thực hiện hàng năm và tổng kết vào năm kết thúc kế hoạch tổng thế.

2. Các Sở, Ban ngành, Doanh nghiệp liên quan:

 - Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và dự toán kinh phí thực hiện cụ thể theo nội dung được phân công trong các Chương trình, Dự án được nêu tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này

- Tổ chức chương trình phổ biến TMĐT thông qua đầu mối là Sở Công Thương, nhằm thống nhất nội dung, tránh trùng lặp, chồng chéo các chương trình, khi tổ chức phổ biến cho doanh nghiệp và các đơn vị

- Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện vào cuối năm, gửi về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông cân đối, tổng hợp và bố trí nguồn ngân sách hàng năm cho các Chương trình, Dự án do các Sở, Ban ngành chủ trì thực hiện theo Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử của Tỉnh trong giai đoạn 2011-2015.

Trên đây là nội dung Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương lập kế hoạch và tổ chức thực hiện trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, đề nghị gửi đề xuất, kiến nghị về Sở Công Thương, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh./.



 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối