Add Content...

Nem công chả phượng (phụng) - Biểu tượng của sự tao nhã trong ẩm thực cung đình Huế
  

Theo thời gian, nhiều món ăn trong cung đình Huế, phục vụ cho vua chúa thời xưa đã được lưu truyền đến tận ngày nay. Một trong số đó phải kể đến nem công chả phượng. Không chỉ thơm ngon ở hương vị, món ăn này còn được trình bày rất đẹp mắt và trở thành một trong những biểu tượng của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nem công chả phượng thể hiện được sự tài tình, khéo léo của người đầu bếp đồng thời cũng thể hiện sự trang trọng của bữa ăn. Thông thường vào những dịp đặc biệt của gia đình như giỗ, Tết…, nem công, chả phượng sẽ xuất hiện trong mâm cúng gia tiên của người Huế.

Nguồn Gốc  

Theo quan niệm cung đình xưa, “nem công, chả phượng” được coi là món ăn “hộ mệnh”, không thể thiếu trong các buổi tiệc cung đình cũng như trong bữa ăn của đấng đế vương.

Ngày nay, người đầu bếp đã kế truyền công thức nấu nướng ấy và biến tấu tạo ra món nem công chả phượng theo công thức hiện đại. Nó đã vô tình mang món ăn này dần phổ biến và trở thành một biểu tượng, đặc sản không thể thiếu tại Huế.

Ở cố đô Huế, nem công chả phượng tượng trưng cho sự tao nhã nhưng đầy quyền lực của cung đình xưa. Món ăn này có màu sắc rất tinh tế, được tạo hình từ chim công quý phái và chim phượng chỉ có trong truyền thuyết.

Nem công chả phượng còn được coi là món ăn “nhất phẩm” trong hàng bát trân cung đình Huế (vi cá mập, yến sào, nem công chả phượng…). Chuyện về giai thoại xuất hiện của nem công chả phượng cũng mang lại rất nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, món ăn thuộc cung đình này xuất hiện từ thời Chúa Nguyễn, được sao chép từ một món ăn của Trung Hoa, qua một số cách tân và biến tấu mà tạo thành. Sử sách có ghi một số vùng thuộc Trung Quốc nổi tiếng về món này như: nem công Tứ Xuyên, chả phượng Tây Khương.

Nem công chả phượng xưa và ý nghĩa

Nem công là món ăn đặc sản Huế, được chế biến không hề qua nấu nướng. Món này tự chín nhờ sự lên men vi sinh cộng với sự tác động của các gia vị có tính nóng như riềng, tỏi và ớt…

Thịt công có tính giải độc, điều này đã được các giáo sư đông y công nhận. Khi ăn nem công, thịt sẽ hấp thụ vào tế bào máu và giải được các độc tố nhất định mà con người nhiễm phải. Đây chính là nguyên nhân người ta gọi nem công là món ăn rất quý hiếm.

Theo quan niệm của người Việt xưa, chim phượng là chim đực và chim cái là hoàng (phượng hoàng). Loài chim này được đồn đại sống ở núi cao và ít ai trông thấy.

Khi chế biến, thịt phượng sẽ được giã mịn, nêm gia vị và cuốn thật kín bằng lá chuối, sau đó sẽ hấp cách thủy một cách công phu nhất. Cũng như nem công, chả phượng rất giàu dinh dưỡng và có tác dụng bảo vệ sức khỏe.

Vào thời phong kiến, sức khỏe của đấng đế vương là thứ luôn được đặt lên hàng đầu. Việc tranh giành ngôi báu khiến họ có thể đầu độc lẫn nhau. Vì vậy, nem công chả phượng được xem như vị thần hộ mệnh, không thể thiếu trong bữa ăn của bậc vương giả xưa.

Nem công chả phượng ngày nay - Đặc sản không thể thiếu ở Huế

Lý do món ăn này được gọi là “nem công chả phượng” là vì thời phong kiến xa xưa, nó được chế biến bằng thịt chim công và chim phượng thật. Nhưng ngày nay, công và phượng là hai loài chim rất quý, có tên trong sách đỏ nên việc săn bắt chúng được xem là phạm pháp. Vì thế để tái hiện hình ảnh món ăn này, các đầu bếp đã trình bày chúng theo cách rất vua chúa. Để duy trì tính năng giải độc, họ có thêm vào một số thảo dược nhằm thay thế tính năng này trong thịt công và chim phượng. Khi đặt chân đến Huế, sẽ rất thú vị nếu bạn mua món ăn này về làm quà tặng cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Nem công chả phượng được xem là đặc sản riêng của vùng cố đô Huế, nó đã được người dân nơi đây gìn giữ, biến tấu và phát huy qua bao thế hệ, đồng thời món ăn này được xem là một nét văn hóa trong ẩm thực Việt Nam.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]