Kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025
  
Cập nhật:13/01/2022 2:16:50 CH

 (Theo Kế hoạch số 8/KH-UBND ngày 12/01/2022 của UBND tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách; tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch được xây dựng phải phù hợp, đúng với nhu cầu thực tiễn gắn với phân bổ, cân đối và huy động các nguồn lực thực hiện đảm bảo đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có hiệu quả.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng sở, ban, ngành, địa phương, trong đó cần chủ động xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình triển khai, thời gian hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng các cụm công nghiệp cơ bản đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phát huy được tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của địa phương, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển công nghiệp nông thôn; đầu tư điều chỉnh, thành lập mới các cụm nằm trong phương án (quy hoạch) phát triển cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên nguồn lực phát triển có chọn lọc một số cụm công nghiệp có nhu cầu đầu tư và di dời các cơ sở sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế, xã hội cao.

- Huy động các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng từ các chương trình, kế hoạch của các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức trong và ngoài nước; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

- Hình thành các cụm tập trung làng nghề và làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch xây dựng để thuận lợi hỗ trợ phục hồi, phát triển ngành nghề mai một, phát triển chậm và thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 03 cụm công nghiệp đã được thành lập trước năm 2021 (gồm: cụm công nghiệp Vinh Hưng, cụm công nghiệp Điền Lộc, cụm công nghiệp Hương Phú), đầu tư mở rộng cụm công nghiệp Tứ Hạ (giai đoạn 3) và tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm đã đi vào hoạt động đảm bảo tuân thủ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, phấn đấu có 03 cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định (gồm: cụm công nghiệp An Hòa, cụm công nghiệp Tứ Hạ, cụm công nghiệp Thủy Phương).

- Đầu tư thành lập mới 11 cụm công nghiệp; phấn đấu hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật tối thiểu khoảng 30% diện tích cụm công nghiệp thành lập mới; tỉ lệ lấp đầy đạt 20% diện tích cụm công nghiệp thành lập mới.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về cơ chế, chính sách

a) Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các thành phần kinh tế vào đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

b) Xây dựng, ban hành cơ chế hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp.

2. Về vốn và đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp

a) Ưu tiên, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đối với các cụm công nghiệp thành lập mới và các cụm công nghiệp đã thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt; hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung theo đúng các quy định hiện hành.

b) Khuyến khích các cụm công nghiệp do tổ chức đơn vị sự nghiệp nhà nước quản lý và tổ chức đầu tư xây dựng chuyển sang hình thức lựa chọn nhà đầu tư quản lý cụm công nghiệp để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng hoàn thiện theo quy hoạch, phần hạ tầng kỹ thuật đã được ngân sách nhà nước đầu tư xem như là phần nhà nước đã hỗ trợ đầu tư; nhà đầu tư chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp.

c) Đối với các cụm công nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, không có khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: nguồn ngân sách tỉnh ưu tiên hỗ trợ đầu tư đường trục chính và hệ thống thoát nước của các cụm công nghiệp tại các huyện A Lưới, Nam Đông; các địa phương chịu trách nhiệm huy động ngân sách cấp huyện, các nguồn hợp pháp khác hoặc nguồn xã hội hóa của các thành phần kinh tế để đầu tư hoàn thiện công trình hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

d) Việc đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp phải bảo đảm phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương, khả năng cân đối, huy động nguồn vốn đầu tư và năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, hiệu quả đầu tư và tiến độ thu hút, lấp đầy cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động.

đ) Thực hiện lồng ghép các chương trình, kế hoạch có liên quan; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp từ ngân sách Trung ương và các nguồn huy động hợp pháp khác để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

e) Rà soát, đánh giá hệ thống kết cấu hạ tầng bên ngoài hàng rào các cụm công nghiệp trong phương án (quy hoạch) phát triển cụm công nghiệp để có phương án, kế hoạch đầu tư các công trình bên ngoài hàng rào cụm công nghiệp hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư hạ tầng. Quan tâm đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp, nhất là hệ thống giao thông tạo liên kết giữa các địa phương, các trục giao thông và cụm công nghiệp; hệ thống thoát nước kết nối từ địa điểm dự án đến tuyến đường, hệ thống thoát nước chính sẵn có bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh phù hợp với quy hoạch được duyệt, quy mô đầu tư đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dự án của nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

g) Việc tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật về quản lý xây dựng; quá trình triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Về thu hút đầu tư

a) Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm để thu hút các nguồn vốn trong dân, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài vào đầu tư kinh doanh hạ tầng, sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

b) Tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan thực hiện cơ chế “một cửa”, giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; tập trung công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án,...

c) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về cụm công nghiệp lên hệ thống GIS Công Thương để phục vụ công tác quản lý, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp.

d) Cập nhật và cung cấp thông tin cơ bản thường xuyên cho các nhà đầu tư về tiềm năng, cơ hội, môi trường, các thủ tục đầu tư vào cụm công nghiệp.

4. Về chính sách đất đai

a) Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chính sách đất đai như: bồi thường, giải phóng mặt bằng; lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tạo quỹ đất sạch để giao cho các chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đầu tư, khai thác và sử dụng hiệu quả.

b) Thực hiện xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu phân bổ đối với phương án (quy hoạch) phát triển cụm công nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu mặt bằng phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các địa phương.

c) Đối với các dự án đầu tư hạ tầng đã có chủ trương đầu tư cần đảm bảo thực hiện đúng tiến độ; trường hợp chủ đầu tư không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt thì phải tổ chức kiểm tra, đánh giá nguyên nhân để xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý thu hồi và giao cho các nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai đầu tư xây dựng, tránh gây lãng phí quỹ đất.

5. Về công tác bảo vệ môi trường

a) Quan tâm, vận dụng các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn theo quy định của pháp luật về môi trường, nhất là các cụm công nghiệp tại các địa phương có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như thị xã Hương Trà, Hương Thủy, thành phố Huế,… nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường tại cụm công nghiệp.

b) Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra trách nhiệm quản lý môi trường cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp, đặc biệt đối với các cụm công nghiệp đang là điểm nóng, bức xúc về môi trường cần có sự giám sát để từng bước đầu tư hoàn thiện công trình bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp. Kiên quyết xử lý, cho dừng hoạt động các cơ sở sản xuất không tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

6. Về công tác quản lý nhà nước

a) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế tăng cường công tác quản lý cụm công nghiệp, phân công nhiệm vụ cho các phòng ban chuyên môn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo quy định. Kiện toàn mô hình quản lý cụm công nghiệp, bổ sung chức năng kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực cấp huyện hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành và khai thác cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực lập, thẩm định, phê duyệt thành lập, mở rộng, điều chỉnh phương án phát triển các cụm công nghiệp, quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp đảm bảo phù hợp với quy định và các quy hoạch có liên quan trên cơ sở khai thác lợi thế của địa phương.

c) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp của các chủ đầu tư nhằm đảm bảo đúng tiến độ, đúng dự án, quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời tập trung hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình triển khai dự án để sớm đưa các dự án vào hoạt động đúng tiến độ.

7. Về nguồn lao động

a) Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ chế biến nông lâm thủy sản; công nghiệp công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm; công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

b) Quan tâm, chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; hình thành đội ngũ lao động lành nghề; phổ cập nghề cho người lao động, qua đó phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp; xây dựng phương thức đào tạo nghề kết hợp “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp” để gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong cụm công nghiệp; phối hợp với các nhà đầu tư, các cơ sở đào tạo nghề xây dựng phương án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án khi đi vào hoạt động.

c) Tổ chức khảo sát thu thập nhu cầu tuyển dụng của cơ sở, nhu cầu việc làm của người dân. Thực hiện số hóa thông tin cập nhật thường xuyên đối với từng cụm công nghiệp cụ thể.

d) Hỗ trợ nhu cầu sinh hoạt cho người lao động: bố trí gần cụm công nghiệp các tiện ích sinh hoạt cho người lao động bao gồm: nhà ở, mua sắm, thực phẩm, trường mầm non,…

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.375 tỷ đồng.

2. Nguồn kinh phí: ngân sách nhà nước (khoảng 128 tỷ đồng), nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác (khoảng 1.247 tỷ đồng).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Kế hoạch này và Phụ lục kèm theo; các Sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chủ động triển khai và phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn, cân đối bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã vào đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.

3. Giao Sở Công Thương đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện kế hoạch này; định kỳ hằng năm, các Sở, ban, ngành và các địa phương tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Công Thương trước ngày 30/10 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 Trang kế Trang cuối