Khái quát chung về tài nguyên thực vật
  
Cập nhật:18/08/2015 12:00:00 SA

Với đặc điểm về vị trí địa lý, khí hậu, thủy văn, địa chất, thổ nhưỡng và các yếu tố nhân tạo khác..., thực vật Thừa Thiên Huế thuộc khu hệ thực vật nhiệt đới vùng đệm có sự giao lưu từ kỷ Đệ tam của các hệ thực vật phía Bắc và hệ thực vật phía Nam, đa dạng về thành phần, chủng loại và đa dạng về hệ sinh thái: núi rừng; gò đồi; đồng bằng duyên hải; gò, đụn cát, đầm phá, biển ven bờ. Trong đó, hệ thực vật rừng chiếm diện tích rộng lớn nhất và thuộc kiểu rừng thường xanh mưa mùa nhiệt đới. Mặt khác, rừng Thừa Thiên Huế đã trực tiếp hoặc gián tiếp đem lại cho người dân địa phương những lợi ích về kinh tế, xã hội và quốc phòng.

Xét về tài nguyên thực vật, các vùng sinh thái phân bố thực vật núi rừng và gò đồi là nơi đáp ứng nhu cầu lấy gỗ, dược liệu, cây hoa, cây cảnh có giá trị. Ở đây, ngoài việc trồng cây gây rừng bằng kỹ thuật canh tác hợp lý và chọn giống tốt, còn phát triển cây công nghiệp, cây lương thực, thực phẩm để xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, nhất là dân tộc thiểu số. Đối với vùng sinh thái phân bố thực vật đồng bằng duyên hải, người dân đã và đang ưu tiên trồng cây lương thực  -  thực phẩm, cây ăn quả. Ngoài ra họ cũng đã bắt đầu chú ý phát triển cây hoa, cây cảnh, cây dược liệu,... Vùng sinh thái thực vật gò, trảng, cồn, đụn cát nội đồng, ven biển và đầm phá nói chung có thảm thực vật tự nhiên nghèo cả về thành phần loài lẫn số lượng cá thể. Ở đây, ngoài hệ thực vật thủy sinh đầm phá và biển ven bờ còn tồn tại rừng ngập mặn và hệ thực vật bảo vệ môi trường chống sạt lở, cát bay, cát trôi. 

Đến thời điểm này, các nhà khoa học đã kiểm kê được ở Thừa Thiên Huế có 43 loài thực vật quý hiếm, được phân thành 5 bậc là đang nguy cấp hay đang bị đe đoạ tuyệt chủng (ký hiệu quốc tế là E) 1 loài, sẽ nguy cấp hay có thể bị đe doạ tuyệt chủng (ký hiệu quốc tế là V) 10 loài, hiếm hay có thể sẽ nguy cấp (ký hiệu quốc tế là R) 16 loài, bị đe dọa (ký hiệu quốc tế là T) 6 loài và biết không chính xác (ký hiệu quốc tế là K) 10 loài. Ngoài ra, còn có các loại cây ăn quả quý hiếm của địa phương đang tồn tại cần được bảo vệ và phát triển, đó là: Thanh trà, quýt Hương Cần, dâu Truồi, mía Thanh Diệu, nấm quả ...

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]