Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài
  
(CTTĐT) - Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ góp phần thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững của tỉnh đó là đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Địa phương xác định đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp then chốt trong công tác tạo việc làm bền vững và đã xây dựng được các cơ chế, chính sách đồng bộ để hỗ trợ người lao động.
Ký kết hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
Ký kết hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thời gian qua, các công ty dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh, cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Lao động ngoài nước... đã kết nối, phối hợp với các nghiệp đoàn, doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... và các chương trình phi lợi nhuận đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức nhiều đợt phỏng vấn, tuyển dụng người lao động. Sau khi lao động trúng tuyển, các đơn vị dịch vụ tổ chức đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng tập trung, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết, tiến hành các thủ tục liên quan để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Công ty TNHH Đầu tư Hợp tác Quốc tế Daystar cho biết, công ty không những hỗ trợ người lao động từ giai đoạn trúng tuyển đơn hàng đến lúc xuất cảnh, mà còn theo sát người lao động trong quá trình làm việc tại Nhật Bản. Công ty thường xuyên động viên thăm hỏi gia đình người lao động đã xuất cảnh. Ngoài ra, văn phòng đại diện Daystar tại Nhật Bản cũng thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tình hình, chia sẻ những khó khăn với người lao động.

Đối với những trường hợp có điều kiện kinh tế khó khăn, không đảm bảo được kinh phí để tham gia chương trình đi làm việc ở nước ngoài, các đơn vị dịch vụ cũng đã giới thiệu, hướng dẫn đến người lao động những chính sách hỗ trợ của Nhà nước nói chung và của tỉnh nói riêng, cũng như của công ty nhằm giúp người lao động tiếp cận được nguồn hỗ trợ và thực hiện được ước mơ đi làm việc tại nước ngoài.

Tư vấn tuyển sinh lao động

Công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức linh động, đa dạng cùng các chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tác động đến các gia đình, người lao động có nhu cầu, điều kiện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhờ đó, nhận thức của người dân về công tác vận động lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực. Đối với người lao động và gia đình cũng có nhiều thay đổi từ hoài nghi, e ngại đã chuyển sang mong muốn và sẵn lòng tham gia, để thay đổi cuộc sống, cải thiện kinh tế.

Thực tế, nhiều lao động là đối tượng chính sách (hộ nghèo, cận nghèo; con thương binh, liệt sĩ; người lao động thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp) khi tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng tại nước ngoài không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn nâng cao được trình độ nghề nghiệp của bản thân, đóng góp cho sự phát triển nền công nghiệp tại địa phương qua việc áp dụng các kỹ thuật của các nước bạn.

Theo Sở LĐTB&XH, lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh tăng qua các năm, nhưng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình phi lợi nhuận vẫn còn ít. Năm 2024, Trung tâm Lao động ngoài nước - Bộ LĐTB&XH dự kiến tuyển chọn 15.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, 500 thực tập sinh đi thực tập tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan; 50-100 thực tập sinh đi thực tập trong ngành hộ lý theo Chương trình Osaka, đồng thời đang tiếp tục đàm phán với HRD Korea mở rộng các ngành nghề: dịch vụ, công nghiệp… Vì vậy, cơ hội việc làm tại Hàn Quốc, Nhật Bản với thu nhập hấp dẫn và chi phí thấp dành cho người lao động trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo là rất lớn.

Doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp phỏng vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật

Để thúc đẩy, hỗ trợ người lao động khu vực nông thôn, miền núi, ven biển và huyện nghèo tham gia Chương trình EPS, IM Japan..., các chương trình này đã có một số định hướng cụ thể như: người lao động các huyện A Lưới, Nam Đông tham gia Chương trình EPS trong các ngành nông nghiệp; người lao động các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc đăng ký trong ngành ngư nghiệp. Đây là các ngành nghề không yêu cầu cao về trình độ tiếng Hàn, mức độ cạnh tranh thấp hơn rất nhiều so với ngành sản xuất chế tạo, nên phù hợp với người lao động tại các khu vực này. Đồng thời tổ chức các lớp đào tạo ngoại ngữ, nghề cơ bản tại địa phương để tạo điều kiện cho người lao động thuận lợi tham gia.

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH khẳng định, công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần cải thiện đời sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định và phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, để đạt kế hoạch đề ra, tỉnh đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp có năng lực, uy tín đến tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí, giảm dần chi phí đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhân rộng mô hình liên kết đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề, giáo dục định hướng cho người lao động giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 Trang kế Trang cuối